Một số biện pháp giúp học sinh lớp 4,5 viết tốt bài văn miêu tả

I. Tóm tắt

Trong chương trình Tiếng Việt Tiểu học, phân môn Tập làm văn chiếm một thời lượng lớn  trong đó văn miêu tả chiếm một vị trí quan trọng. Văn miêu tả giúp học sinh thể hiện được sự hiểu biết của mình về cuộc sống xung quanh, qua văn miêu tả bồi dưỡng óc quan sát tinh tế, nhanh nhạy cũng như vốn sống và tâm hồn cho các em. Tuy nhiên, hiện nay việc dạy học văn miêu tả đang còn rất chung chung, một số học sinh lạm dụng nhiều đến bài văn mẫu, trí tượng tượng không phong phú, dùng từ không chính xác, học sinh có thói quen không suy nghĩ, phụ thuộc vào các bài văn mẫu, lười quan sát, lười tư duy. Chính vì vậy, bài viết trình bày một số vấn đề về thực trạng làm văn miêu tả của học sinh khối 4, 5 trường TH, THCS, THPT – Đại học Hà Tĩnh để từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao kĩ năng làm văn miêu tả cho các em.

II. Nội dung

1. Đặt vấn đề

Chương trình Tiếng Việt ở tiểu học một khối lượng lớn kiến thức về văn miêu tả. Ngay từ đầu cấp học đã có những dạng bài : Tả ngắn về bốn mùa, tả ngắn về biển…. đến lớp 4 đã có những dạng bài : tả cây cối, tả đồ vật, tả con vật; lớp 5 : tả cảnh vật, tả con người,…  Nên có thể khẳng định rằng văn miêu tả có vai trò cực kì quan trọng đối với học sinh tiểu học, đó là cơ sở, là nền móng giúp các em bước vào đời một cách vững chắc.Tuy nhiên thực tế việc dạy học văn miêu tả ở các trường tiểu học hiện nay chưa thật sự đã đáp ứng được các yêu cầu. Một số giáo viên chưa đánh giá đúng mức vị trí của phân môn Tập làm văn, một số thì chưa tâm huyết với nghề, trình độ tay nghề còn hạn chế,…dẫn đến tình trạng học sinh chưa hiểu về văn miêu tả, không viết được bài văn miêu tả theo đúng yêu cầu, không yêu thích phân môn và dần dần hờ hững với các sự vật, hờ hững với  môi trường thiên nhiên xung quanh các em. Vì vậy, việc khảo sát thực trạng để đưa ra các giải pháp nhằm giúp học sinh tiểu học nói chung, học sinh khối 4, 5 làm tốt văn miêu tả là điều cần thiết.

2. Thực trạng

a. Về giáo viên

– Một số giáo viên cảm thấy khó khăn khi dạy dạng bài văn miêu tả. Bản thân giáo viên cũng chưa thực sự biết hướng dẫn như thế nào để học sinh có thể viết được một bài văn miêu tả tốt. Việc dạy văn  của một số cô giáo còn sơ sài, chưa chú trọng, khi giảng còn mang tính chung chung, chưa cụ thể, chưa hướng dẫn các em quan sát.

b. Về phía học sinh

– Một số em học sinh tỏ ra không hứng thú, ngại học văn.

– Một số em chưa biết cách quan sát đối tượng miêu tả, chưa biết quan sát theo thứ tự như thế nào, bộ phận nào quan sát trước, bộ phận nào quan sát sau,…

– Một số em chưa biết lựa chọn và sử dụng các từ ngữ thích hợp trong khi làm văn., viết văn còn sáo rỗng, sử dụng nhiều hình ảnh kệch cỡm khi nói về các sự vật.

– Vẫn còn nhiều em quá lạm dụng vào văn mẫu.

3. Nguyên nhân của những thực trạng trên

a. Về giáo viên

– Một số giáo viên chưa thật sự đánh giá đúng mức vị trí, vai trò của phân môn Tập làm văn và cụ thể hơn là văn miêu tả .

– Do hiểu biết kiến thức về tâm sinh lí lứa tuổi học sinh của một số giáo viên chưa nhiều nên chưa biết cách khơi gợi, tạo hứng thú cho các em.

– Giáo viên chưa dành nhiều thời gian để nghiên cứu bài, chưa có sự đầu tư thật sự cho giờ dạy. Cách thiết kế xây dựng giờ dạy của giáo viên chưa có sự phân hoá đối tượng vì vậy trong dạy học chưa kích thích và phát huy được hết khả năng học tập của những HS có năng khiếu.

b. Về học sinh

– Nhận thức tư duy của học sinh trong một lớp không đồng đều.

– HS chưa nắm bắt chính xác về các sự vật trong thiên nhiên.

– Khả năng sử dụng vốn từ, diễn đạt của học sinh còn hạn chế.

-Một số học sinh còn lạm dụng tài liệu văn mẫu.

4. Giải pháp giúp học sinh khối 4, 5 làm tốt bài văn miêu tả

Có rất nhiều biện pháp khác nhau để thực hiện thành công việc dạy học sinh lớp 4,5 viết tốt bài văn miêu tả, trong phạm vi bài viết này, tôi xin đưa ra một số biện pháp như sau:

Thứ nhất: Giáo viên phải hướng dẫn học sinh quan sát trực tiếp đối tượng miêu tả theo hệ thống câu hỏi gợi ý.

Trong văn miêu tả, quan sát có vai trò rất quan trọng. Giống như khi ta vẽ một vật. Nếu ta đứng ở vị trí khác nhau sẽ cho ta kết quả khác nhau mặc dù đó cùng  vẽ một sự vật. Vậy khi quan sát để miêu tả cũng vậy, tuỳ từng vị trí mà người quan sát đứng: xa hay gần, ngoài hay trong, ban ngày hay đêm, mùa xuân, mùa hạ, mùa thu hay mùa đông thậm chí lúc ta vui hay buồn … đều ảnh hưởng đến sự cảm nhận của người quan sát. Việc quan sát giúp các em phát hiện và hiểu biết thêm về các sự vật, hiện tượng trong cuộc sống xung quanh. Hơn thế, việc quan sát nhiều còn có tác dụng giúp cho các em cảm nhận được những khác biệt giữa các sự vật tưởng chừng như giống nhau. Các em sẽ thu thập được nhiều dữ liệu, nhiều vốn sống từ việc quan sát này. Vì thế, để giúp học sinh quan sát tốt, tôi đã làm như sau: hướng dẫn học sinh quan sát đối tượng bằng cách huy động tất cả các giác quan: thị giác (mắt) , thính giác (tai) , khứu giác (nghe), xúc giác (sờ,nắm), vị giác (nếm).Ví dụ:

Ở Tiết tập làm văn lớp 4: Tả cây bóng mát.

Để học sinh làm được dạng  bài này, trước hết cho học sinh định hình được:  Cây bóng mát là cây gì?( là các loại cây trồng để lấy bóng mát: cây bàng, cây phượng, cây ngô đồng,..) Cụ thể nó là cây nào? Đặc biệt với những tiết đầu tiên nên định hướng cho học sinh lấy ngay cây ở khu vực sân trường để tả, bởi những cây đó học sinh có thể quan sát được trực tiếp trong tiết học đó.

Khi tả cây bàng: Tôi cho học sinh quan sát cây trực tiếp và trả lời theo hệ thống câu hỏi bằng miệng, cụ thể:

* Quan sát theo từng bộ phận của cây:

Quan sát từ  xa đến gần:

Câu hỏi:Từ xa trông cây như thế nào?

Học sinh: Từ xa trông cây bàng rất to

Câu hỏi: Nó giống cái gì?

Học sinh: Nó giống như một chiếc ô khổng lồ.

Câu hỏi: Tán cây như thế nào?

Học sinh:  Tán cây xoè rộng được xếp theo tầng từ to đến nhỏ.

Câu hỏi: Lá bàng thế nào?

Học sinh:  Lá bàng dày, được xếp khít vào nhau.

Câu hỏi: Thân cây bàng thế nào?

Học sinh: Thân cây to.

Câu hỏi: Vỏ cây thế nào?

Học sinh:Vỏ cây xù xì ( vỏ cây nhám,..)

Câu hỏi: Rễ cây thế nào?

Học sinh:  Rễ cây dài ngoằn ngoèo .

Câu hỏi: Trông giống cái gì, con gì?

Học sinh:  Trông như con rắn khổng lồ ……

Hướng dẫn học sinh quan sát cây bàng, người giáo viên đã giúp học sinh sử dụng đến các giác quan: Thị giác và xúc giác. Nếu giáo viên cho học sinh quan sát trực tiếp và hướng dẫn cho quan sát theo hệ thống câu hỏi như trên chắc chắn rằng ấn tượng về cây bàng trong mỗi một em sẽ rất sâu sắc.

Trên đây là một ví dụ cách miêu tả cây cối theo từng bộ phận của cây. Cũng tương tự thế này, tôi đã giúp học sinh miêu tả cây bàng nói riêng (và các loài cây nói chung theo cách tả cây cối) theo trình tự thời gian như sau:

* Quan sát theo trình tự thời gian:

Tương tự như cách quan sát ở trên, khi đưa học sinh quan sát cây trực tiếp, yêu cầu nhớ và tưởng tượng lại những điểm đặc trưng của cây bàng ở từng mùa, trả lời theo hệ thống câu hỏi:

Câu hỏi: Hãy tưởng tượng lại mùa hè cây bàng như thế nào?

Học sinh: Mùa hạ cây bàng toả ra từng tán dày khít, làm bóng che mát cho các cô cậu học trò.

Câu hỏi: Mùa thu cây bàng như thế nào?

Học sinh: Mùa thu lá bàng dường như xanh hơn, dày hơn, …..

Câu hỏi: Mùa đông cây bàng thế nào?

Học sinh: Mùa đông lá bàng bắt đầu chuyển màu.Ban đầu, nó ngả sang màu vàng rồi vàng đậm, sau đó sang màu đỏ và cuối  cùng chuyển sang màu đỏ đồng. Cuối mùa đông cây bàng trút hết lá để lại các cành trơ trụi, khẳng khiu lúc này trông nó giống như một bà cụ 90 tuổi. ( Lưu ý có thể hỏi những câu hỏi nhỏ hơn để định hướng được các em nhớ lại những đặc điểm của cây bàng ở từng mùa)

Câu hỏi: Hãy tưởng tượng và nói về cây bàng khi mùa xuân đến.

Học sinh:Và rồi mùa xuân đến, vạn vật tưng bừng. Cây bàng cũng vậy. Nó như được sinh ra lần nữa. Từ trên các cành bàng, chồi xanh đâm lên tua tủa trông như những ngọn nến xanh vừa được thắp lên…. quả là thiên nhiên thật kì diệu.

Trên đây chỉ là một ví dụ nhỏ, tôi chắc chắn rằng trong quá trình quan sát trực tiếp ở mỗi một học sinh có thể xuất hiện được nhiều chi tiết hay, khác nhau về cây bàng. Tuy nhiên từng kiểu bài ta có những cách quan sát  khác nhau. Đối với kiểu bài tả đồ vật ta có thể quan sát theo trình tự: Mắt nhìn, tay sờ, tai nghe, mũi ngửi, .. Đối với bài văn tả loài vật ta quan sát ngoại hình rồi mới đến những thói quen trong sinh hoạt và những hoạt động của con vật. Còn đối với bài văn tả cảnh, ta quan sát theo trình tự thời gian, đặc điểm nổi bật của cảnh theo từng góc độ của cảnh. Với bài văn tả người lại cần quan sát kĩ về ngoại hình, về tính tình và hoạt động…

Trong thiên nhiên, mỗi sự vật đều có một đặc điểm riêng, chỉ khi ta biết quan sát mới nắm bắt được đối tượng và đặc điểm riêng của nó thì lúc đó viết ra mới có được hình ảnh sống động như thật. Chỉ làm nổi bật những đặc điểm bên ngoài thôi chưa đủ, cần phải nêu được cái đặc sắc ẩn chứa bên trong sự vật để nói lên những suy tư, tình cảm của người viết gửi gắm vào sự vật đó. Muốn làm được điều này, phải có sự quan sát tinh tế và phải có được những phát hiện rất riêng  về đối tượng và rung cảm với nó. Với đối tượng học sinh Tiểu học là cấp học đầu tiên, các em chưa thể có kinh nghiệm viết văn, chưa biết đến quan sát để nhận ra được đặc điểm đối tượng, nên giáo viên tiểu học là người giữ vai trò quan trọng, là người dẫn dắt để giúp học sinh có thể  quan sát đúng đối tượng và vẽ thành bài văn của mình thông qua hệ thống câu hỏi phù hợp.

Bên cạnh đó việc giáo viên tạo điều kiện cho học sinh quan sát trực tiếp các sự vật mình miêu tả ở một vị trí chân thực (trong tự nhiên vốn có) cũng giúp đem lại cho bản thân các em rất nhiều điều đó là: kiến thức và giá trị cuộc sống. Giúp giờ học diễn ra nhẹ nhàng, sinh động, hiệu quả cao và tạo hứng thú cho các em.

Thứ hai: Hướng dẫn học sinh cách lập dàn ý bài văn miêu tả bằng sơ đồ tư duy.

Ai dạy văn cũng biết rằng lập dàn ý là một khâu quan trọng, cũng có thể nói là một khâu chủ chốt của viết văn miêu tả. Nó giống như nền móng của một ngôi nhà. Móng có vững thì ngôi nhà mới chắc. Vậy làm thế nào để học sinh nắm vững cách lập dàn ý một bài văn miêu tả và vận dụng chúng thật hiệu quả. Theo tôi cần hướng dẫn học sinh lập dàn ý bài văn miêu tả bằng bản đồ tư duy. Bản đồ tư duy là hình thức ghi chép nhằm tìm tòi, đào sâu, mở rộng một ý tưởng, hệ thống hoá một chủ đề hay một mạch kiến thức,… bằng cách kết hợp việc sử dụng đồng thời hình ảnh, đường nét, màu sắc, chữ viết với sự tư duy tích cực. Đặc biệt đây là sơ đồ mở, có thể vẽ thêm hoặc bớt nhánh, mỗi người vẽ một kiểu khác nhau, dùng màu sắc, hình ảnh, cụm từ diễn đạt khác nhau, cùng một chủ đề nhưng mỗi người đều có thể thể hiện theo cách riêng của mình. Do đó, việc lập bản đồ tư duy phát huy được tối đa trí nhớ và khả năng sáng tạo của mỗi người.

Ở Tiểu học việc đưa và vận dụng bản đồ tư duy đã được nhiều năm. Hầu như các giáo viên chỉ mới sử dụng nó ở các môn Khoa học, Lịch sử và Địa lí, và hiệu quả nó đem lại cũng rất cao. Còn với văn miêu tả, nếu GV biết cách hướng dẫn HS lập dàn ý bài văn miêu tả bằng bản đồ tư duy, tôi tin rằng kết quả nó đem sẽ chắc chắn sẽ như mong đợi.

Ví dụ: Trong bài Cấu tạo của bài văn miêu tả ( Tiếng Việt 5, tập 1, trang 12)

Mục tiêu cơ bản của bài này :

– Nắm được cấu tạo ba phần của một bài văn tả cảnh (Mở bài, thân bài, kết bài).

Cách tiến hành:

Bước 1: Hình thành kiến thức: Cho học sinh phân tích ngữ liệu ở sách giáo khoa.

Bài 1: Học sinh hoạt động cá nhân (hoặc theo nhóm) để rút ra được cấu tạo của bài văn tả cảnh, gồm 3 phần, nhiệm vụ của từng phần và trình tự miêu tả cảnh theo thời gian.

Bài 2: Học sinh đọc và làm bài 2: đọc lại bài Quang cảnh làng mạc ngày mùa , tìm ra được sự khác nhau giữa hai bài văn tả cảnh, để khắc sâu được cấu tạo của bài văn tả cảnh, nhiệm vụ của từng phần và trình tự miêu tả theo từng phần của cảnh.

Bước 2: Hướng dẫn học sinh rút ra được cấu trúc của bài văn tả cảnh và thể hiện bằng bản đồ tư duy.

Ở bước này, học sinh thảo luận theo nhóm để trả lời các câu hỏi, dựa vào các câu hỏi đó để lập bản đồ tư duy.

Giáo viên: Bài văn tả cảnh được cấu tạo bởi mấy phần? Đó là những phần nào?

Học sinh:  Bài văn tả cảnh cấu tạo gồm 3 phần. Đó là : Mở bài, thân bài, kết bài.

Giáo viên: Hãy nêu nhiệm vụ của từng phần.

Học sinh: Mở bài: Giới thiệu bao quát cảnh sẽ tả.

Thân bài: Tả từng phần của cảnh hoặc sự thay đổi của cảnh theo thời gian.

Kết bài: Nêu nhận xét hoặc cảm nghĩ của người viết.

Giáo viên: Trong từng nội dung em có thể triển khai thêm chi tiết nào nữa?

Mở bài: Có thể mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp.

Kết bài: Có thể kết bài mở rộng hoặc không mở rộng.

– Học sinh lập bản đồ tư duy theo nhóm.

– Đại diện nhóm trình bày kết quả của mình

GV tổng hợp ý kiến chung của các nhóm và hoàn thiện sơ đồ.

Sơ đồ cấu tạo bài văn tả cảnh

Bước 3: Vận dụng bản đồ tư duy cho một bài văn cụ thể, ở đây với bài Quang cảnh làng mạc ngày mùa.

Học sinh thảo luận theo nhóm 4, tiếp tục phát triển sơ đồ tư duy theo câu hỏi gợi ý:

Chủ đề chính của sơ đồ là gì? ( Quang cảnh làng mạc ngày mùa)

Tác giả miêu tả cảnh làng mạc ngày mùa theo trình tự nào?( Theo trình tự từng phần của cảnh.)

Trong từng phần của cảnh, tác giả đã chọn những cảnh, vật nào để miêu tả ?

Tác giả miêu tả từng cảnh, vật đó thông qua những từ ngữ nào?

Sơ đồ cầu tạo bài văn Quang cảnh làng mạc ngày mùa

Ngoài ra để lôi cuốn, tạo hứng thú cho học sinh, có thể lưu ý:

– Trang trí bản đồ tư duy bằng những màu sắc em yêu thích, chú trọng những nhánh chính cần chọn những màu nổi bật, trọng tâm hơn.

– Để dễ nhớ hơn nữa, các em có thể đưa thêm những hình ảnh trực quan để minh hoạ cho bản đồ tư duy của mình.

Sử dụng bản đồ  tư duy trong lập dàn ý văn miêu tả giúp các em có thể khắc sâu được kiến thức, dễ nhớ, khó quên, đặc biệt nó còn giúp các em mở rộng, triển khai nhiều ý tưởng mới. Giúp các em có thể sàng lọc được những ý chính, trọng tâm mà một bài văn miêu tả rất cần.

Thứ ba: Hướng dẫn học sinh cách lựa chọn, sử dụng từ ngữ phù hợp thông qua các dạng bài tập.

Lựa chọn từ ngữ phù hợp, sử dụng các biện pháp tu từ trong văn miêu tả là vấn đề then chốt, cốt lõi cho việc viết văn. Thực tế hiện nay, nhiều học sinh biết rõ sự vật nhưng ngèo vốn từ, không biết sử dụng từ ngữ, hình ảnh nào để diễn tả được những gì mình thấy. Việc đó dẫn đến bài văn viết khô khan, không có hình ảnh thậm chí là sử dụng sai từ ngữ, hình ảnh dẫn đến việc đọc bài văn lên cảm thấy rất sáo rỗng, thiếu thực tế, thiếu sinh động.

Ví dụ 1: Miêu tả cây cổ thụ: Thân cây khẳng khiu, rung rinh trước gió

Ví dụ 2: Miêu tả cây bàng: Thân cay cao gần 1 mét, cây tỏa bóng mát khắp sân trường.

Với tình trạng đó, giáo viên cần giúp học sinh lựa chọn, sử dụng từ ngữ phù hợp với các sự vật, chi tiết mà mình miêu tả thông qua các dạng bài tập, dành thời gian trong từng tiết học để cho học sinh làm việc cá nhân, nhóm, lớp về dạng bài tập gắn liền với từng chủ điểm về các sự vật chuẩn bị miêu tả. Ví dụ:

Bài tập dạng 1:Tìm các từ ngữ liên quan đến các sự vật, con vật mình định tả.

Ví dụ: Khi tả đến các con vật. Trước đó cần tổ chức cho HS tìm các từ ngữ tả về các bộ phận của con vật. Tả về bộ lông: đen mượt, đen bóng, mượt mà, xồm, vàng hoe, mềm mại, trắng phau, vằng đậm, màu mun,… Tả về đôi mắt : tròn xoe, tròn tròn, dễ thương, đen láy, xanh lè (mắt mèo)…Ngoài ra tôi cho HS nắm chắc cách sử dụng từ ngữ bằng cách làm thêm một số bài tập liên quan đến cách sử dụng các từ ngữ.

Bài tập dạng 2: Lựa chọn từ ngữ phù hợp để điền vào câu văn.

VD 1:Tìm và điền từ láy gợi tả vào chỗ chấm.

Ánh nắng ban mai …….. trải khắp cánh đồng.

Đồng lúa vàng…………. gợn sóng.

Sóng biển vỗ ………vào bờ cát

Suối chảy ……….trong rừng sâu.

Lưu ý: Ở dạng bài này cần giúp học sinh cách lựa chon từ ngữ với sự vật miêu tả trong câu. Với câu a: Sự vật miêu tả ở đây là ánh nắng, vậy cần giúp các em tìm được các từ ngữ (cụ thể ở đây là từ láy) miêu tả ánh nắng, sau đó lựa chọn từ ngữ phù hợp nhất để điền vào. Các từ ngữ có thể điền vào là: rực rỡ, lung linh, long lanh, lóng lánh,… Tuy nhiên từ có thể điền phù hợp nhất là từ rực rỡ.Với câu b, Từ ngữ có thể điền vào: lô nhô, nhấp nhô, lố nhố,… từ phù hợp là nhấp nhô. Câu c, Từ ngữ có thể điền: rì rào, ào ào, ầm ầm, oàm oạp,… từ ngữ phù hợp nhất: ầm ầm. Tương tự câu d: Từ ngữ phù hợp: róc rách.

Bài tập dạng 3: Phân loại từ ngữ miêu tả

Ví dụ 1: cho các từ sau: hun hút, chót vót, thăm thẳm, chất ngất, bao la, tít tắp, mênh mông, tít mù khơi, hoăm hoắm, vời vợi, bắt ngát, muôn trùng, dằng dặc, lê thê, ngút ngát, cao vút, cao lêu nghêu.

Hãy xếp các từ trên thành 4 nhóm. Biết rằng đây là các từ miêu tả không gian.

Lưu ý: Ở dạng bài này, đề bài yêu cầu phân nhóm các từ mà không cho tiêu chí phân nhóm, chỉ biết đây là các từ ngữ miêu tả không gian. Tôi đã hướng dẫn học sinh xác định xem không gian thì có các góc cạnh, chiều hướng nào. Dựa vào đề bài ở trên có thể xác định 4 tiêu chí để phân từ ngữ: chiều rộng, chiều dài, chiều cao, chiều sâu.

– Nhóm từ ngữ chiều rộng: bao la, mênh mông, bát ngát.

– Nhóm từ ngữ chiều dài: tít tắp, tít mù khơi, muôn trùng, thăm thẳm, ngút ngát, dằng dặc, lê thê.

– Nhóm từ ngữ tả chiều cao: chót vót, chất ngất, vời vợi, cao vút, cao lêu nghêu.

Nhóm từ ngữ về chiều sâu: hun hút, thăm thẳm, hoăm hoắm.

Ví dụ 2: Phân loại từ ngữ miêu tả tiếng sóng nước.

Xếp các từ ngữ miêu tả tiếng sóng nước sau đây thành 3 nhóm : cuồn cuộn, lăn tăn, trào dâng, điên cuồng, điên khùng, ì ầm, ầm ầm, lững lờ, trườn lên, rì rào, ào ào, ì oạp, dữ tợn, dữ dội, bò lên, đập nhẹ lên, khủng khiếp, lao xao, thì thầm.

Lưu ý: Các từ ở bài tập này là các từ miêu tả tiếng sóng nước. Tiếng sóng nước miêu tả hoạt động của sóng nước. Như vậy ta có thể chọn tiêu chí xếp nhóm là tả tiếng sóng, tả làn sóng nhẹ, tả đợt sóng mạnh.

– Nhóm từ tả tiếng sóng : ì ầm, ầm ầm, rì rào, ào ào, ì oạp, lao xao, thì thầm.

– Nhóm từ tả làn sóng nhẹ: lăn tăn, dập dềnh, lững lờ, trườn lên, bò lên, đập nhẹ lên.

– Nhóm từ tả đợt sóng mạnh: cuồn cuộn, trào dâng, ào ạt, cuộn trào, điên cuồng, điên khùng, dữ tơn, dữ dội, khủng khiếp.

Bài tâp dạng 4:  Sử dụng từ ngữ viết câu:

Ví dụ: Hãy điền các từ: tróc, săn, lùng, sực, tìm, khám phá vào chỗ tróng trong đoạn văn sau:

Sau khi…. khắp gian ngoài và buồng trong không thấy một ai, họ xuống bếp chọc tay thước vào cột gio và bồ trấu. Rồi họ…. ra mé sau nhà. Cũng vô hiệu. Nhưng bỗng có tiếng trẻ khóc thét lên thì hai anh tuần mới …..ra  chỗ người trốn.

Cuộc …….dù riết đến đâu cùng không sao…. đủ một trăm người đi xem đá bóng.

Ở dạng bài này, cần hướng dẫn học sinh nắm nghĩa cụ thể của từng từ.

Tróc: bắt hoặc lấy bằng được bằng sức mạnh.

Săn: lùng bắt, tìm kiếm

Lùng: tìm kiếm cho kì được bằng mọi cách , ở khắp mọi nơi.

Sục: xông vào bất cứ đâu, bất cứ chỗ nào cảm thây khả nghi để tìm kiếm.

Tìm: cố làm sao cho thấy được.

Khám phá: Tìm thấy, phát hiện ra ẩn dấu, bí mật

Lưu ý: Ở bài tập này, đề bài cho 6 từ nhưng chỉ có 5 chỗ để điền vào. Như vậy có một chỗ để điền hai từ.

Sau khi tìm khắp gian ngoài và buồng trong không thấy một ai, họ xuống bếp chọc tay thước vào cột gio và bồ trấu. Rồi họ sục ra mé sau nhà. cũng vô hiệu. Nhưng bỗng có tiếng trẻ khóc thét lên thì hai anh tuần mới  khám phá ra chỗ người trốn.

Cuộc săn, lùng dù riết đến đâu cũng không sao tróc đủ một trăm người đi xem đá bóng.

Bài tập dạng 5: Phân biệt từ nhiều nghĩa với từ đồng âm.

Ví dụ: Trong các từ in đậm sau đây, những từ nào là từ đồng âm, những từ nào là từ nhiều nghĩa?

Chín:  – Lúa ngoài  đồng đã chín vàng .

– Tổ em có chín học sinh.

– Nghĩ cho chín rồi hãy nói.

Lưu ý: ở dạng này, giáo viên cần cho học sinh nắm vững nghĩa gốc của từ in đậm, sau đó xác định nghĩa gốc trong các câu. Khi xác định được nghĩa gốc, học sinh sẽ xác định nghĩa chuyển bằng cách dựa vào mối liên hệ về nghĩa, sau đó sẽ chỉ ra được từ đồng âm. Tôi tin chắc rằng qua việc làm các dạng bài tập khác nhau,  học sinh sẽ nắm vững cáchsử dụng từ ngữ trong khi viết văn. Khi học sinh đã hiểu và sử dụng thành thạo các từ ngữ  thì đó chính là phương tiện chắc chắn nhất để viết tốt văn miêu tả.

Thứ tư: Hướng dẫn học sinh sử dụng các biện pháp tu từ trong văn miêu tả.

Văn miêu tả là một thể loại văn có tác dụng rất lớn trong việc tái hiện đời sống, nó giúp học sinh hình thành và phát triển trí tưởng tượng, óc quan sát và khả năng đánh giá, nhận xét. Qua các bài văn miêu tả giúp ta có thể cảm nhận văn học và cuộc sống một cách tinh tế, sâu sắc hơn, làm cho tâm hồn, trí tuệ của chúng ta thêm phong phú. Những văn bản có tác dụng to lớn như vậy môt phần là nhờ sự có mặt của những biện pháp tu từ. Vậy biện pháp tu từ là gì? Biện pháp tu từ  là những cách phối hợp sử dụng khéo léo các đơn vị từ vựng có khả năng đem lại hiệu quả tu từ do mối quan hệ qua lại giữa các đơn vị từ vựng trong ngữ cảnh rộng. Việc đưa các biện pháp tu từ vào văn miêu tả có vai trò cực kì quan trọng bởi nó không những giúp người học biết cách sử dụng ngôn từ có hiệu quả cao mà nó còn giúp người học cảm thụ được cái hay, cái đẹp trong văn bản nghệ thuật và ham muốn tạo ra cái hay, cái đẹp bằng ngôn từ.

Trong chương trình tiếng Việt ở Tiểu học, học sinh chỉ được cung cấp các biện pháp tu từ: so sánh và nhân hoá. Hai biện pháp tu từ này cũng được sử dụng nhiều nhất trong văn miêu tả.

Trước hết ta hiểu khái niệm về so sánh, nhân hoá như sau:

So sánh: So sánh là đối chiếu hai sự vật, hiện tượng cùng có một dấu hiệu chung nào đó với nhau góp phần làm cho sự vật, hiện tượng được miêu tả trở nên phong phú, sinh động, cụ thể và rõ ràng hơn.

Nhân hóa : Nhân hoá là cách gọi hoặc tả đồ vật, loài vật, cây cối… bằng những từ ngữ vốn được dùng để gọi hoặc tả con người (hoặc nói cách khác là gắn cho những hoạt động đồ vật, loài vật, cây cối… tình cảm, trạng thái như con người).

– Nghệ thuật  nhân hoá giúp cho thế giới loài vật, đồ vật, cây cối… trở nên gần gũi, sinh động, hấp dẫn, biểu thị được những tình cảm, suy nghĩ của con người.

Các biện pháp tu từ so sánh, nhân hoá là thế mạnh đặc trưng, là phương tiện miêu tả hữu hiệu. So sánh là biện pháp nghệ thuật tạo hình khiến sự vật được so sánh trở nên đẹp đẽ, sinh động, hấp dẫn, lôi cuốn và gợi liên tưởng cho người đọc . So sánh có giá trị gợi âm thanh, hình ảnh. Sử dụng so sánh trong bài văn  miêu tả còn là cách thức làm đẹp ngôn từ. Còn nhân hoá là biện pháp miêu tả sinh động, hấp dẫn, lí thú các sự vật, hiện tượng, làm cho những đối tượng này không phải là người nhưng lại mang dấu hiệu thuộc tính của con người. Nhân hoá là con đường thú vị nhất, ngắn nhất đưa những vấn đề trừu tượng đến với nhận thức của con người. Khi sử dụng nhân hoá, người viết thả sức vùng vẫy, lựa chọn ngôn từ để làm tăng sự uyển chuyển, mềm mại khi diễn đạt.

Trong quá trình giảng dạy của mình, tôi đã hướng dẫn để học sinh hiểu, thấm nhuần được về các biện pháp tu từ trên bằng cách học sinh làm những bài tập liên quan:

Ví dụ 1: Trong câu văn sau, những sự vật nào được nhân hoá: “ Từ đó, lão Miệng, bác Tai, cậu Chân, cậu Tay lại sống thân mật với nhau, mỗi người một việc không ai tị ai cả” (miệng, chân, tay, tai được nhân hoá)

Ví dụ 2: Viết lại câu văn sau cho sinh động bằng cách sử dụng biện pháp so sánh:

Cây phượng vĩ ở cổng trường đã nở hoa.

Viết lại: Cây phượng vĩ ở cổng trường đã nở hoa đỏ như một bó đuốc khổng lồ.

Mùa đông, cây bàng trơ trọi những cành khẳng khiu.

Viết lại: Mùa đông, cây bàng trơ trọi những cành khẳng khiu như những cánh tay gầy guộc đang gồng mình chịu rét.

Ví dụ 3: Tập viết đoạn văn có sử dụng biện pháp nghệ thuật so sánh hoặc nhân hoá.

Mùa đông lá bàng bắt đầu chuyển màu. Ban đầu, nó ngả sang màu vàng rồi vàng đậm, sau đó sang màu đỏ và cuối  cùng chuyển sang màu đỏ đồng. Cuối mùa đông cây bàng trút hết lá để lại các cành trơ trụi, khẳng khiu lúc này trông nó giống như một bà cụ 90 tuổi.

Thực tế cho thấy khả năng sử dụng biện pháp tu từ so sánh, nhân hoá để viết văn miêu tả của học sinh Tiểu học hết sức hạn chế. Các bài văn của học sinh thường ít sử dụng các biện pháp so sánh và nhân hoá, nếu có thì cũng chưa hay, chưa sinh động vì vậy các bài văn của các em thường khô khan, câu văn thiếu hình ảnh, đơn điệu, chỉ mang tính liệt kê, mô tả. Chính vì vậy mà tôi thấy  việc hướng dẫn học sinh Tiểu học sử dụng hai biện pháp tu từ so sánh và nhân hoá vào văn miêu tả là rất cần thiết.

Thứ năm: Giúp cho học sinh yêu các sự vật mình tả.

Bất kì ai dù ở cương vị nào, muốn làm việc có hiệu quả có chất lượng, muốn có sự sáng tạo thì người đó phải yêu, phải có trách nhiệm với công việc mình làm. Với các em cũng vậy, để một bài văn của mình viết ra có hồn, để  khác các bài văn khác (như tôi vẫn thường nói với các học sinh của mình: Bài văn của các em hay hơn các bài văn mẫu vì nó là của riêng các em, bài của em này sẽ khác với bài của em khác) thì các em phải có tình cảm, tình yêu đối với sự vật mình sẽ tả. Nhưng không  phải bất kì một người nào khi nhìn vào con vật, sự vật, hay con người đều có tình cảm với nó , đặc biệt là với học sinh Tiểu học. Chính vì vậy bản thân người giáo viên phải định hướng để học sinh có thể nhận  ra được nét đáng yêu của sự vật, con vật, thậm chí là con người, từ đó nảy sinh tình cảm với các sự vật, con vật, dần dần các em yêu bằng một tình cảm tự nhiên, ngây thơ của mình.

Nói như vậy cũng có nghĩa là người giáo viên có vai trò cực kì quan trọng trong việc định hướng hình thành cho HS tình yêu với sự vật. Vậy người giáo viên phải làm gì? Theo tôi, có thể làm như sau:

Ví dụ: Khi dạy đến bài tả các con vật Tiếng Việt 4, giáo viên hướng dẫn, giới thiệu học sinh làm quen với các con vật bằng nhiều cách khác nhau.

Thứ nhất: Hướng dẫn học sinh quan sát trực tiếp ở nhà, quan sát ở lớp (giáo viên chuấn bị thông qua các clip được trình chiếu, các hình ảnh thu thập được, …)

Thứ hai: Giáo viên giúp học sinh nhận ra điểm đáng yêu của các con vật thông qua quan sát, tưởng tượng, nhớ lại,… để trả lời các câu hỏi của giáo viên.

VD: Tả con chó nuôi ở nhà:

Về hình dáng, kích thước: To bằng chừng nào? Giống cái gì? Đôi mắt như thế nào? Bộ lông ra sao? Sờ vào em có cảm giác ra sao?…

Về hoạt động: Những khi em đùa với nó, thái độ của nó thế nào? Nó đã làm gì mỗi khi em vuốt ve, âu yếm nó? Mỗi khi em đi học về, nó đã làm gì? Những con động tác mà con chó thể hiện chứng tỏ tình cảm của nó đối với em thế nào? Vậy con chó đó có giống người bạn của em không?…

Thứ ba: Cho học sinh đối thoại trước lớp: Kể cho các bạn nghe về con vật mình yêu thích, nói lên tình cảm của mình dành cho các con vật đó. Một khi học sinh đã hình thành được tình yêu đối với các sự vật mình sẽ tả thì đó chính là điều tuyệt vời nhất  mà một người giáo viên đã làm được cho các học sinh thân yêu của mình.

Thứ sáu: Tạo hứng thú, thói quen đọc sách cho các em.

Sách là vốn quý của con người. Đọc sách đem lại cho người ta một lượng trithức khổng lồ của nhân loại mà ít ai ngờ tới được. Quả không sai khi người ta đã từng nói “Sách vừa là bạn vừa là thầy”. Cả đất nước chúng ta đang dậy lên một phong trào đọc sách rất mạnh mẽ ở mọi tầng lớp, lứa tuổi. Các trường học trong cả nước cũng hưởng ứng phong trào này. Đọc sách giúp các em học sinh làm giàu thêm vốn ngôn ngữ, cách diễn đạt, hành văn trong sáng,… vậy nhưng việc lựa chọn loại sách như thế nào cho phù hợp và cách đọc sách ra sao cho hiệu quả thì đó đang là cả một vấn đề đặc biệt là với lứa tuổi học sinh Tiểu học.

Trên thị trường hiện nay có vô số loại sách đang muốn thu hút các loại đối tượng học sinh. Tuy nhiên đặc biệt là với học sinh Tiểu học, không phải tất cả các loại sách đều có giá trị tốt đối với các em, mà  bản thân các em chưa thể có khó năng lựa chọn được đúng loại sách cần cho mình, chính vì vậy các em rất cần sự tư vấn ở những người tiền bối của mình – giáo viên là một trong những người mà các em tin cậy nhất, Vi vậy, cần phải hướng các em tìm các loại sách phù hợp với lứa tuổi và giúp các em có thể củng cố, mở rộng thêm ngôn từ của mình, mở rộng thêm hiểu biết của mình. Ví dụ : các em cần đọc những loại truyện cổ tích Việt Nam, truyện cổ Grim, truyện An-dec-xen, Truyện Ngụ ngôn, …đọc một số tác phẩm của các nhà văn viết về tuổi thơ như nhà văn Tô Hoài,  nhà  thơ Trần Đăng Khoa, các tạp chí Tuổi thơ với trang Văn học, tạp chí Báo Nhi đồng, Chăm học…

Khi đã chọn được sách, học sinh cần đọc như thế nào cho đúng.Trong ba, bốn năm trở lại đây, học sinh đã thói quen đọc sách và nhiều em đọc sách có hiệu quả. Tuy nhiên, để hình thành được thói quen này, giáo viên cần giao việc cho các em. Ví dụ : Trong một tiết đọc sách thư viện, GV cần phải yêu cầu: Các em chọn cho mình câu chuyện, sau đó đọc nó và trả lời các câu hỏi (câu hỏi có thể được nâng cao dần lên):

– Câu chuyện em đọc có tên là gì ? Của tác giả nào ?

– Nói về ai ?

– Em hãy kể lại tóm tắt nội dung câu chuyện

– Câu chuyện muốn nói điều gì ?

Nếu muốn biết được học sinh đã đọc câu chuyện với thái độ như thế nào thì giáo viên cần phải kiểm soát được phần trả lời câu hỏi của. Những tiết đầu, khi tổ chức giới thiệu, chia sẻ sách, giáo viên phải luôn chủ động tướng tác với các em,  có thể tự mình kiểm tra các em, nhưng khi đã dần dần hình thành được ở các em cách đọc thì GV yêu cầu các nhóm trưởng kiểm tra. Sau đó điều chỉnh ở những em chưa thực hiện được hay những em chưa có ý thức đọc. Muốn thức hiện được điều này yêu cầu người giáo viên phải chịu khó, không chủ quan và phải làm gương, tự xây dựng thói quen đọc sách để học sinh noi theo. Khi các em đã đọc nhiều thì tự nhiên nhu cầu đọc sách sẽ đến với các em, lúc đó các em sẽ biết tự đi tìm những cuốn sách mà các em thích đọc. Giáo viên cũng nên khuyến khích ngoài các tiết đọc sách ở trường, các em đọc thêm sách ở nhà và đến lớp kể lại cho các bạn nghe vào tiết tự học hay tiết hoạt động tập thể, tiết giới thiệu, chia sẻ sách… khen ngợi và tuyên dương những em đó,… dần dần phong trào sẽ được lan rộng và chắc chắn có hiệu quả. Từ đấy, ngôn ngữ giao tiếp, vốn từ của các em dần trở nên phong phú, việc vận dụng các từ ngữ vào văn miêu tả sẽ sống động, giàu hình ảnh hơn.

Thứ bảy: Thực hiện có hiệu quả tiết trả bài Tập làm văn.

Khi HS đã hoàn chỉnh được bài văn của mình, giáo viên cần phải hoàn thiện tiết trả bài thật chu đáo. Ở các trường Tiểu học hiện nay, một số giáo viên thường xem nhẹ tiết trả bài vì nghĩ rằng nó không quan trọng, việc trả bài là một mắt xích  không thể thiếu trong một chuỗi việc làm giúp các em viết tốt văn miêu tả. Bởi khi chấm bài, giáo viên đã biết được các em đã tiếp nhận được những gì và cần phải khắc phục chỗ nào, cần chú ý những đối tượng nào còn chưa thực hiện được yêu cầu,…

Theo tôi, khi thực hiện tiết trả bài GV chia làm 4 phần chính :

Phần 1 : Chữa lỗi chưa viết đúng cấu tạo của bài văn miêu tả.

Giáo viên chấm bài là, trong bài làm cần nhận xét đầy đủ theo hướng dẫn của văn bản hợp nhất 03. Sau đó GV phân loại bài có lỗi sai giống nhau để khi chữa bài lưu ý những em hay sai lỗi này. Với lỗi sai về cấu tạo bài văn miêu tả :

+ Bước 1 : GV cho HS xem lại cấu tạo của bài văn miêu tả (được trình chiếu ở trên bảng)

+ Bước 2 : Yêu cầu HS so sánh, đối chiếu bài làm của mình đã viết đúng cấu tạo của bài văn miêu tả hay chưa. Nếu chưa thì mính cần phải bổ sung phần gì ?

+Bước 3 : GV chú ý đến những em chưa viết đúng phần này và hướng dẫn cách viết đúng, yêu cầu làm lại và nộp vào hôm sau (thực hiện đến khi HS được viết đúng)

Phần hai : Chữa lỗi đặt câu

Với lỗi này, học sinh thường viết chưa đúng câu do đặt dấu câu chưa chính xác, đặt câu thiếu các thành phần chủ ngữ hoặc vị ngữ.

Bước 1: GV cho HS tự phát hiện xem mình có mắc lỗi này hay không (HS sẽ biết vì GV đã nhận xét ở trong bài làm của mình), sau đó yêu cầu các em sửa lại lỗi sai.

Bước 2 : Gv chữa lỗi sai cơ bản của một số bạn lên trên bảng.

VD : Cây bàng như một chiếc ô khổng lồ. Dang rộng che nắng cho chúng em.

Ở câu này các em đã sử dụng sai dấu câu, dẫn đến vế câu thứ hai chưa có chủ ngữ, mà ý của câu 1 và câu 2 liên kết với nhau vì vậy chúng ta chỉ cần đưa dấu chấm đặt ở cuối câu : Cây bàng như một chiếc ô khổng lồ dang rộng che nắng cho chúng em.

Bước 3 : Yêu cầu những bạn đã sửa sai đọc kết quả.

Phần ba : Chữa lỗi dùng từ.

Lỗi dùng từ là lỗi học sinh thường hay gặp, lỗi này tuy nhẹ hơn hai lỗi trên nhưng nếu như trong một bài văn sai nhiều lỗi này thì bài văn trở nên lố bịch. Nguyên nhân của việc sai lỗi này là học sinh chưa nắm được cách dùng từ, hoặc các em chưa hình dung đúng sự vật mình đang tả. Vì vậy, giáo viên phải lưu ý và yêu cầu  những em đã dùng sai từ tự sữa lại theo hướng dẫn.

Phần tư : Tuyên dương những bài viết đúng cấu tạo bài văn và viết hay, đọc các bài viết đó trước lớp.

Việc tuyên dương những bài viết hay trước lớp rất có ý nghĩa với các em. Những em được được bài văn của mình trước lớp sẽ cảm thấy rất tự hào và nỗ lực hơn nữa ở các bài sau còn những em chưa được khen thì các em sẽ nghe bài của bạn và  học hỏi được rất nhiều từ bài viết của các bạn.

III. Kết luận

Dạy tốt văn miêu tả cho học sinh lớp 4,5 không chỉ giúp các em viết văn miêu tả tốt mà còn có tạo hứng thú học tốt môn Tiếng Việt. Ngoài ra còn tạo cho các em có quan hệ giao lưu rộng hơn, hiểu biết phong phú đặc biệt ở lứa tuổi này, mỗi trẻ em đều có khả năng tri giác đa dạng hơn.Vì vậy đời sống tình cảm của các em rất phát triển. Những hiểu biết mới trong học tập mà các em lĩnh hội được thường làm cho các em hưng phấn. Các em yêu cái đẹp trong thiên nhiên, yêu cỏ cây hoa lá, yêu động vật nuôi trong nhà, yêu thích hội hoạ, âm nhạc,….Đặc biệt khi biết viết văn miêu tả tốt sẽ giúp các em phát triển tốt về ngôn ngữ nói và viết.

 

 

Tác giả: Nguyễn Thị Hồng – Giáo viên trường TH, THCS, THPT – Đại học Hà Tĩnh