Hướng dẫn làm văn nghị luận xã hội cho học sinh khối 9, trường TH, THCS, THPT – Đại học Hà Tĩnh

I. Tóm tắt

Nghị luận xã hội là một phần không thể thiếu trong các đề kiểm tra và đề thi môn Ngữ văn. Với mục đích giúp giáo viên có những phương pháp hiệu quả rèn luyện cách làm văn nghị luận xã hội, giúp học sinh không chỉ hoàn thiện kĩ năng trình bày quan điểm của mình, mà còn cung cấp tri thức vô cùng phong phú về những vấn đề xã hội, để từ đó học sinh hiểu được phương pháp, kĩ năng làm văn nghị luận xã hội trong các đề kiểm tra, đề thi môn Ngữ văn. Bài viết trình bày một số vấn đề về thực trạng làm văn nghị luận xã hội của học sinh khối 9 trường TH, THCS, THPT – Đại học Hà Tĩnh để từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao kĩ năng làm văn nghị luận xã hội trong các đề kiểm tra và đề thi cho các em.

II. Nội dung

1. Đặt vấn đề

Trong những năm gần đây nhiệm vụ đổi mới trong dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học càng trở nên bức thiết nhằm đáp ứng công cuộc đổi mới nền giáo dục. Sự đổi mới đó trong môn Ngữ văn được cụ thể hóa bằng việc xây dựng đề thi gồm có hai phần: Phần đọc hiểu và phần tạo lập văn bản (phần tạo lập văn bản gồm nghị luận xã hội và nghị luận văn học) nhằm đánh giá kĩ năng đọc hiểu văn bản và kĩ năng viết văn bản của học sinh. Tạo lập văn bản (nói và viết) là hoạt động tạo ra một văn bản hoàn chỉnh về nội dung và hình thức, thể hiện qua cách tổ chức, xây dựng văn bản đúng quy cách và có ý nghĩa. Văn bản được tạo lập sẽ thể hiện được trình độ kiến thức (về các kiểu văn bản, về ngôn ngữ, về văn học, về văn hóa – xã hội, về các khoa học liên ngành.), dấu ấn cá nhân, lập trường quan điểm của học sinh. Trong đó, đối với phần nghị luận xã hội nhằm kiểm tra về kỹ năng, vốn sống, mức độ hiểu biết của học sinh về xã hội để các em nêu lên những suy nghĩ về cuộc sống, về tâm tư tình cảm nói chung nhằm giáo dục, rèn luyện nhân cách cho học sinh. Nhìn chung, dạng đề văn nghị luận xã hội thường tập trung vào một số vấn đề cơ bản mang giá trị đạo lý làm người, những hiện tượng thường xảy ra trong xã hội mà qua đó trở thành kinh nghiệm sống cho mọi người.

Đối với học sinh, nhất là học sinh khối 9 trường TH, THCS, THPT – ĐH Hà Tĩnh, phần nghị luận xã hội trong các đề kiểm tra và đề thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT là đơn vị kiến thức mà các em rất quan tâm, phần thi đó tuy không chiếm phần lớn số điểm nhưng lại có vị trí quan trọng và quyết định điểm cao hay thấp của một bài thi. Chính vì vậy, các em rất mong muốn được thầy cô củng cố kiến thức, hướng dẫn những kĩ năng cần thiết để làm tốt phần thi này, góp phần đạt kết quả cao trong các bài kiểm tra và đặc biệt là kì thi tuyển sinh và lớp 10 THPT.

2. Thực trạng

a. Thực trạng chung

Thực trạng học và làm bài văn nghị luận nghị luận xã hội đang là một vấn đề được quan tâm trong các trường Trung học cơ sở nói chung và trường TH, THCS, THPT – Đại học Hà Tĩnh nói riêng. Theo thống kê và theo dõi kết quả thi học kì, thi học sinh giỏi, thi vào THPT của mấy năm gần đây thì chất lượng làm bài môn Ngữ văn của học sinh đã có sự tiến bộ rõ rệt. Tuy nhiên phần điểm bị trừ trong bài lại thường rơi vào phần văn nghị luận xã hội. Nguyên nhân chính là do cách diễn đạt của các em chưa được tốt. Các ý còn chung chung, chưa cụ thể và rõ ràng, kiểu nghị luận này yêu cầu học sinh phải vận dụng kiến thức thực tế thì các em lại chưa có. Nhiều em còn mắc các lỗi về dùng từ, diễn đạt… có em còn xác định sai đề, dẫn đến sai kiến thức cơ bản do suy diễn cảm tính, suy luận chủ quan hoặc tái hiện quá máy móc dập khuôn trong tài liệu, thậm chí có chỗ “râu ông nọ cắm cằm bà kia” nhầm nghị luận về tư tưởng đạo lí sang nghị luận về sự việc hiện tượng đời sống…Sở dĩ chất lượng phần văn nghị luận xã hội còn chưa đạt yêu cầu như vậy là do nhiều nguyên nhân.

b. Về giáo viên

Mặc dù trong những năm gần đây, hầu hết giáo viên đã nắm chắc được cấu trúc của các đề thi học sinh giỏi và thi vào lớp 10 THPT, một phần không thể thiếu là câu hỏi liên quan đến kiểu bài nghị luận xã hội, thế nhưng một số giáo viên vẫn cho rằng câu hỏi chỉ chiếm tỉ lệ điểm trong bài khoảng 20 – 30% số điểm nên chưa tập trung nhiều để hướng dẫn học sinh, khiến kiến thức cơ bản học sinh nắm chưa chắc chắn. Tư tưởng học sinh làm bài lại chỉ chăm chú đến phần nghị luận văn học mà không nghĩ rằng đây là phần dễ đạt điểm tối đa. Hơn nữa lâu nay có khá nhiều học sinh và ngay cả thầy cô cứ nghĩ rằng văn hay là câu chữ phải “bay bổng”, phải “lung linh”, nghĩa là dùng cho nhiều phép tu từ, nhiều từ “sang”, nhiều thuật ngữ “oách” mà quên rằng văn hay là sự chân thực, sự giản dị, tức là nói những điều mình nghĩ và nói bằng ngôn ngữ bình thường, không cao giọng, không dùng các từ sáo rỗng, rập khuôn máy móc.

c. Về học sinh

Trong những năm gần đây học sinh nói chung và học sinh lớp 9 trường TH, THCS, THPT – Đại học Hà Tĩnh nhiều em không hứng thú với học môn Ngữ văn, nhất là ngại làm những bài văn. Có lẽ ngoài nguyên nhân khách quan từ xã hội, thì một phần cũng do làm văn khó, lại mất nhiều thời gian, “công thức” làm văn cho các em lại không hình thành cụ thể. Các em không phân biệt rõ các thao tác nghị luận chính mà mình sử dụng.  Kĩ năng tạo lập văn bản của học sinh ở trường TH, THCS, THPT – Đại học Hà Tĩnh còn chưa thành thục và rất hiếm có những bài nghị luận có được sức hấp dẫn, thuyết phục bởi cách lập luận rõ ràng, chính xác, đầy đủ và chặt chẽ từng luận điểm, luận cứ… Bài viết của các em khi thì sai về yêu cầu thao tác nghị luận, khi lại không sát, không đúng với nội dung nghị luận của đề bài. Ví dụ đề yêu cầu nghị luận về tư tưởng đạo lí lại làm sang nghị luận về hiện tượng sự việc đời sống. Mặt khác đối với bài nghị luận xã hội dung lượng quy định (chỉ khoảng 200 đến 300 chữ hoặc một trang giấy thi) nhiều học sinh vẫn chưa căn được, cứ thế phóng bút viết thậm chí hết nhiều thời gian mà bài lại không cô đọng, súc tích. Một điều nữa mà ta dễ dàng nhận thấy khi dạy kiểu bài này các em đều quan niệm là bài văn nghị luận xã hội “khô khan”, bài văn chưa có sức hút, chưa lay động được tâm hồn người đọc. Ở bất cứ thể văn nào, khô khan hay hấp hẫn là ở chất lượng. Mà chất lượng một bài văn phụ thuộc vào cảm hứng, kiến thức và các yếu tố có tính kĩ thuật như: Cách lập luận, dùng từ, đặt câu…

3. Giải pháp nâng cao kĩ năng làm văn nghị luận xã hội cho học sinh khối 9 trường TH, THCS, THPT – Đại học Hà Tĩnh

Nếu như trước đây, các giáo viên làm công tác ôn thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ văn thường dạy ôn tập theo các đơn vị kiến thức tiếng Việt, văn học và tập làm văn. Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo thay đổi cấu trúc đề thi, trên cơ sở đó, đề thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT môn Ngữ văn hàng năm của tỉnh Hà Tĩnh cũng đã có nhiều thay đổi về cấu trúc, ngoài phần đọc hiểu và nghị luận văn học, đề bài còn có phần nghị luận xã hội nhằm kiểm tra khả năng tạo lập văn bản cũng như các tri thức xã hội của học sinh. Để học sinh làm tốt văn nghị luận xã hội trong các đề kiểm tra và đề thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT môn Ngữ văn. Tôi thực hiện như sau:

Thứ nhất: Làm công tác tư tưởng cho học sinh.

Trước hết giáo viên cần phải dập tắt trong các em quan niệm: Văn nghị luận xã hội là loại văn “khô khan”, vì ở bất cứ thể văn nào, khô khan hay hấp dẫn là ở chất lượng. Tiểu thuyết mà viết dở thì cũng khô khan mà thôi. Chất lượng một bài văn nghị luận phụ thuộc vào cảm hứng, kiến thức và các yếu tố có tính kĩ thuật như: cách lập luận, dùng từ, câu…. trong đó cảm hứng là yếu tố đầu tiên.

Thứ hai: Củng cố và khắc sâu kiến thức lí thuyết về bài văn nghị luận xã hội.

Về kiểu bài nghị luận xã hội, học sinh phải vận dụng kiến thức xã hội và đời sống viết bài nghị luận xã hội (khoảng 200 – 300 chữ). Vì vậy muốn làm tốt kiểu bài này trước hết giáo viên cần hướng dẫn và yêu cầu học sinh nắm chắc phần lí thuyết thì mới vận dụng tốt trong khi làm bài. Kiểu bài này có hai dạng đề cụ thể là:

Nghị luận về một vấn đề  tư tưởng đạo lí.

Nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống.

Học sinh cần bám sát vào quy định trên để định hướng ôn tập và làm bài thi cho hiệu quả.

Thứ ba: Hướng dẫn cách làm bài cụ thể.

Đối với kiểu bài nghị luận về một vấn đề về tư tưởng đạo lí.

Nghị luận về một vấn đề tư tưởng đạo lí là bàn về một vấn đề thuộc lĩnh vực tư tưởng, đạo đức, lối sống… có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc sống của con người.

Về nội dung: Người viết phải làm sáng tỏ các vấn đề tư tưởng đạo lí bằng cách giải thích, chứng minh, so sánh, đối chiếu, phân tích…để chỉ ra chỗ đúng (hay chỗ sai) của một tư tưởng nào đó nhằm khẳng định tư tưởng của người viết.

Về hình thức: Bài viết phải có luận điểm đúng đắn, lập luận chặt chẽ, mạch lạc. Lời văn phải rõ ràng, sinh động.

Về bố cục: Bài văn phải có bố cục 3 phần chặt chẽ, hợp lí theo yêu cầu chung của một bài nghị luận.

Mở bài: Giới thiệu vấn đề tư tưởng, đạo lí cần bàn luận.

Thân bài: Lần lượt giải thích, chứng minh, phân tích các nội dung của vấn đề tư tưởng, đạo lí đó; đồng thời nêu ý kiến bàn luận, đánh giá của mình.

Kết bài: Tổng kết, nêu ý nghĩa, bài học của vấn đề nghị luận.

Đối với kiểu bài nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống.

Nghị luận về một sự việc, hiện tượng, đời sống xã hội là nêu ý kiến của mình, bàn luận, đánh giá của mình về sự việc, hiện tượng ấy.

Về nội dung: Người viết phải trình bày rõ nội dung, bản chất của sự việc, hiện tượng, phải trình bày rõ thái độ, ý kiến của người viết về mặt sai, mặt đúng, mặt lợi, mặt hại của nó.

Về hình thức: Phải có sự bàn luận, đánh giá, phải có luận điểm rõ ràng, được trình bày bằng các luận cứ xác thực, bằng các phép lập luận phù hợp. Lời văn phải có sức thuyết phục.

Về bố cục: Bài văn nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống cũng phải đảm bảo bố cục 3 phần chặt chẽ, mạch lạc theo yêu cầu chung của một bài văn nghị luận.

Mở bài: Giới thiệu sự việc, hiện tượng có vấn đề sẽ bàn  luận.

Thân bài: Phân tích các mặt của sự việc, hiện tượng, trình bày ý kiến, sự đáng giá của mình.

Kết bài: Khẳng định, phủ định, khái quát ý nghĩa của vấn đề nghị luận.

Đối với các dạng đề nghị luận xã hội, việc khắc sâu để học sinh nắm được kiến thức của từng kiểu bài là hết sức quan trọng nhằm giúp các em vận dụng tốt trong quá trình làm bài cụ thể.

Thứ tư: Hướng dẫn học sinh cách tìm dẫn chứng cho bài văn nghị luận xã hội.

Để chứng minh một cách thuyết phục cho các luận điểm của một bài văn nghị luận xã hội, người viết phải sử dụng dẫn chứng cụ thể, tiêu biểu về những người thật, việc thật. Để giúp các em biết cách tìm dẫn chứng một cách tốt nhất, giáo viên cần sưu tầm và hướng dẫn học sinh sưu tầm tư liệu phục vụ cho đề văn nghị luận xã hội như sau:

Trong quá trình đọc sách báo, nghe tin tức trên các phương tiện thông tin đại chúng, cần ghi lại những nhân vật tiêu biểu, những sự kiện, con số chính xác về một sự việc nào đó.

Sau một thời gian tích luỹ cần chọn lọc, ghi nhớ và rút ra bài học ý nghĩa nhất cho một số dẫn chứng tiêu biểu.

Thứ năm: Hướng dẫn học sinh tham khảo các bài văn xuất sắc

Để học sinh hình dung cụ thể về cách làm bài dạng đề nghị luận xã hội này thì giáo viên nên đọc một số bài văn hay hoặc các bài làm văn xuất sắc của học sinh để từ đó học sinh được cảm nhận về nội dung, hình thức, cách viết để vận dụng trong bài viết của mình một cách tốt hơn. Những bài mẫu được chọn phải thực sự xúc động để lay động được tâm hồn đồng thời khơi gợi được chất văn trong các em.

III. Kết luận

          Như vậy, việc hình thành và rèn luyện kĩ năng làm văn nghị luận xã hội trong các đề kiểm tra, đề thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT môn Ngữ văn cho học sinh trung học cơ sở nói chung, cho học sinh khối 9 nói riêng để làm tiền đề cho chặng đường giáo dục tiếp theo là một việc làm hết sức cần thiết. Chính vì vậy, giáo viên phải luôn nhận thức được tầm quan trọng và sự cần thiết của việc đổi mới đề thi Ngữ văn nói chung, đề thi tuyển sinh vào lớp 10 nói riêng. Trong đó, phần nghị luận xã hội có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục kĩ năng trình bày, nêu quan điểm và nâng cao điểm số bài thi cho các em, cho nên việc hình thành và rèn luyện kĩ năng làm phần nghị luận xã hội trong đề thi môn Ngữ văn cho học sinh là hết sức cần thiết. Đối với học sinh phải thực sự yêu quý và coi trọng bộ môn Ngữ văn, từ đó có ý thức học tập, rèn luyện. Phải luôn tích cực, sáng tạo trong học tập, rèn luyện kĩ năng làm văn nghị luận xã hội nhằm đạt kết quả cao trong các kì thi, đặc biệt là kì thi tuyển sinh lớp 10 THPT hàng năm.

 

Tác giả: Nguyễn Danh Thanh – Giáo viên trường TH, THCS, THPT – Đại học Hà Tĩnh