Vận dụng linh hoạt trò chơi “Rung chuông vàng” vào dạy học môn Tiếng Việt lớp 4 theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

TÓM TẮT

Trò chơi là một nhu cầu không thể thiếu được với học sinh Tiểu học. Bởi lẽ trong quá trình chơi, thái độ tích cực được tạo ra một cách thoải mái, dễ dàng. Sự hứng thú hấp dẫn của trò chơi làm cho học sinh được thu hút vào quá trình luyện tập thực hành một cách tự giác. Chơi gắn với học tập được lặp đi lặp lại không làm cho học sinh nhàm chán như việc luyện tập một cách thông thường. Trong các tiết học, giáo viên thường xuyên tổ chức các trò chơi để giúp các em phát triển đồng đều các lĩnh vực: thể chất, ngôn ngữ, nhận thức, tình cảm, thẩm mỹ; giúp các em khám phá tìm tòi, biết vận dụng vốn kiến thức, kĩ năng vào việc giải quyết các tình huống khác nhau. Qua trò chơi, các em có được những mối liên kết mật thiết với những bạn khác, biết chia sẻ, biết lắng nghe, trình bày và truyền đạt được ý của mình khi hoạt động, các em luôn cảm thấy tự tin khi tiếp nhận các thử thách mới. Vì vậy, việc tổ chức cho học sinh chơi các trò chơi để hình thành kiến thức, kĩ năng mới là rất cần để tạo hứng thú học tập cho học sinh ngay từ khi bắt đầu bài học mới.

Môn Tiếng Việt có nhiệm vụ hình thành và phát triển ở học sinh Tiểu học các kĩ năng sử dụng tiếng Việt nghe, nói, đọc, viết để học tập và giao tiếp trong các môi trường hoạt động của lứa tuổi. Thông qua dạy học Tiếng Việt, góp phần rèn luyện các thao tác tư duy, tưởng tượng phong phú cho các em. Chính vì thế mà môn Tiếng Việt là môn học công cụ, là một trong những môn học cơ bản, quan trọng nhất trong chương trình Tiểu học.Vì chỉ có học tốt Tiếng Việt các em mới có điều kiện để phát triển năng lực tư duy và giao tiếp. Vì vậy, người giáo viên phải gây được hứng thú học tập cho các em bằng cách lôi cuốn các em tham gia vào các hoạt động học tập. Trò chơi học tập là một hoạt động mà các em hứng thú nhất. Các trò chơi phải có nội dung  gần gũi, lý thú và bổ ích phù hợp với việc nhận thức của các em, phù hợp với nội dung, chủ đề, kiến thức bài học. Thông qua các trò chơi các em sẽ lĩnh hội tri thức, phát triển năng lực, hình thành phẩm chất một cách hiệu quả nhất.

Bài viết này trình bày một số vấn đề về thực trạng trong dạy học môn Tiếng việt các lớp nói chung và lớp 4 nói riêng theo hướng tiếp cận năng lực, phẩm chất học sinh từ đó đưa ra một số biện pháp Vận dụng linh hoạt trò chơi “Rung chuông vàng” vào dạy học môn Tiếng Việt lớp 4 theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh để giúp HS học môn Tiếng Việt một cách hứng thú, tích cực và đạt  hiệu quả cao.

NỘI DUNG

  1. Đặt vấn đề

Trò chơi là hoạt động vui chơi mang một chủ đề, một nội dung nhất định và có những quy định mà người tham gia phải tuân thủ. Nếu vui chơi là một dạng hoạt động giải trí tự nguyện của mọi người, tạo ra sự sảng khoái, thư giãn về thần kinh, tâm lí, thì trò chơi là sự vui chơi có nội dung, có tổ chức của nhiều người, có quy định luật lệ mà người tự nguyện tham gia phải tuân thủ theo. Vui chơi của cá nhân được tổ chức dưới dạng trò chơi thì nó sẽ mang ý nghĩa giáo dục, rèn luyện đối với người chơi, đặc biệt là đối với thiếu niên nhi đồng và sẽ có tác dụng hình thành nên những phẩm chất, nhân cách cho trẻ.

Từ thực tế giảng dạy trên lớp đến những tiết thao giảng, hội giảng, tôi nhận ra rằng “Trò chơi học tập” là một vấn đề không thể thiếu được để tạo nên không khí sôi nổi, hào hứng đem lại một tiết học “nhẹ nhàng, tự nhiên, hiệu quả”. Tiếng cười, tiếng vỗ tay của các em xoá đi sự gò bó, khuôn khổ, xoá đi ranh giới thầy và trò tạo ra ấn tượng thật đẹp đẽ. “Trò chơi học tập” được sử dụng như một hình thức, một phương pháp, một biện pháp dạy học cho học sinh tiểu học.

2. Thực trạng của việc sử dụng phương pháp trò chơi trong dạy học môn Tiếng Việt lớp 4

2.1. Về học sinh

Qua các buổi sinh hoạt chuyên môn bàn luận về vấn đề dạy học môn Tiếng việt các lớp nói chung và lớp 4 nói riêng, việc dạy học theo hướng tiếp cận năng lực, phẩm chất còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, khi gặp các tình huống cần giải quyết thì các em còn lúng túng, chưa thật sự mạnh dạn tin tưởng vào bản thân mình.

Năm học 2020 -2021, tôi được nhà trường phân công giảng dạy lớp 4A với 23 em học sinh. Vào đầu năm học, năng lực về Tiếng việt các em chưa tốt, ở trong mỗi tiết học nhiều em tiếp thu bài còn chậm. Tôi đã khảo sát thực tế cho thấy cụ thể như sau:

– Trong phần khởi động, khi tổ chức trò chơi học tập khác chỉ một số học sinh có năng lực nội trội hơn tham gia còn lại học sinh khác theo dõi, cổ vũ.

– Học sinh điều hành trò chơi chưa linh hoạt; tiết học nào cũng khởi động trò chơi giống nhau.

–  Học sinh chưa hứng thú tham gia vào trò chơi học tập.

– Các phần học khám phá, vận dụng không linh hoạt trò chơi học tập các em học một các gò bó, có nhiều em cảm thấy mệt mỏi.

2.2. Về giáo viên

Soạn bài có áp dụng trò chơi tốn nhiều công sức và thời gian..

– Có một số giáo viên vẫn hạn chế về công nghệ thông tin, phương pháp tổ chức trò chơi, nên nhiều lúc vận dụng các trò chơi chỉ mang tính chất  cho đầy đủ các hoạt động nhưng không tạo được không khí tiết học, chỉ được một số ít học sinh tham gia.

Phần cuối tiết học, hầu hết giáo viên tổ chức củng cố bằng cách hỏi đáp ngại sử dụng trò chơi nên không giúp học sinh hệ thống lại kiến thức một cách sinh động và hiệu quả.

Như vậy, thực trạng sử dụng phương pháp trò chơi học tập trong dạy học Tiếng Việt lớp 4 vẫn chưa đạt kết quả cao. Việc sử dụng trò chơi học tập đối với một số giáo viên còn là hình thức, hoặc có sử dụng thì cũng gượng ép, miễn cưỡng. Một số giáo viên chưa quan tâm nhiều đến việc đưa trò chơi học Tiếng Vệt vào giảng dạy, hoặc có đưa vào thì chỉ trong các giờ thao giảng, thể nghiệm.

2.3. Về trò chơi “Rung chuông vàng”

a) Ưu điểm và một số điều cần chú ý khi áp dụng trò chơi

– Trong quá trình đổi mới phương pháp dạy học. Trò chơi là một trong những yếu tố vô cùng cần thiết trong giờ học. Hầu như trong nhiều giáo án mẫu, các giáo viên đều thiết kế các hoạt động bằng hình thức trò chơi để tạo nên một tiết học sinh động, thoải mái, nhẹ nhàng. Học sinh thấy vui, nhanh nhẹn, cởi mở hơn; tiếp thu tự giác, tích cực hơn; các em được củng cố hệ thống hoá kiến thức một cách vững chắc.

– Hoạt động dạy và học đòi hỏi nhiều yếu tố. Trong đó, sự hứng thú và sôi động là những yếu tố hết sức quan trọng, đóng góp vào việc gây hứng thú tâm lý học tập của học sinh, giúp học sinh tiếp nhận, khắc sâu kiến thức mới một cách tích cực, dễ dàng. Mà trò chơi là bản chất của sự hứng thú, vui vẻ và năng động.

– Các trò chơi phải thú vị để học sinh thích được tham gia. Các trò chơi phải đơn giản, dễ thực hiện. Các trò chơi không tốn nhiều thời gian, sức lực để không ảnh hưởng đến các hoạt động tiếp theo của tiết học. Quan trọng hơn, trò chơi phải có mục đích học tập, không đơn thuần là trò chơi giải trí.

– Trò chơi tạo nên đoàn kết. Khi giáo viên cho một trò chơi và chia lớp học thành nhiều nhóm, tự nhiên các em hợp tác thảo luận, đóng góp ý kiến thậm chí những em nhút nhát ngày nào cũng được thảo luận, đóng góp ý kiến vào thành công của nhóm mình. Vả lại, chúng ta ai cũng biết rằng trong hoạt động dạy – học rất cần thiết sự đoàn kết để giải quyết thành công mọi vấn đề.

– Một ưu điểm khác của trò chơi trong giờ học sẽ tạo nên bầu không khí thi đua: cá nhân thi đua với cá nhân; nhóm này thi đua với nhóm khác; từ cá nhân cho đến nhóm, tổ … tinh thần đồng đội rất cao. Vì trong cuộc đua bất cứ ai cũng mong muốn mình chiến thắng.

– “Chơi mà học, học mà chơi” ở đây khi ứng dụng trò chơi vào tiết học, chúng ta phải lưu ý là: Khi thiết kế các trò chơi với mục đích để học chứ không phải chỉ để giải trí hay vui chơi. Vì vậy, hiệu quả tiết dạy sẽ cao hơn nếu chúng ta áp dụng trò chơi trong các hoạt động khởi động, khám phá và củng cố tiết học.

– Một ưu điểm đặc biệt của trò chơi là: Kích thích mạnh mẽ sự suy nghĩ của học sinh. Đây là một tác động rất quan trọng trong sự phát triển tư duy logic, tăng cường tinh thần đồng đội và tốc độ học tập của học sinh.

– Với trò chơi “Rung chuông vàng”, HS chỉ cần chuẩn bị một đồ dùng duy nhất, lúc nào cũng có sẵn (bảng con, phấn, khăn lau) nên không mất thời gian chuẩn bị của học sinh. Hơn nữa, toàn thể học sinh đều được tham gia vào trò chơi chứ không phải chỉ đứng hò reo cổ vũ cho các bạn khác.

Giáo viên có thể thiết kế một số đồ dùng dạy học mà ta có thể sử dụng lại cho nhiều lần sau, nhiều năm sau (với trò chơi “Rung chuông vàng” giáo viên chỉ cần thiết kế đồ dùng một lần và sử dụng lâu dài).

b) Một số khó khăn khi áp dụng trò chơi trong học tập của học sinh

Nếu giáo viên không kiểm soát và quản lý chặt chẽ thì trong lúc chơi mức độ ồn của lớp sẽ lớn hơn mức cho phép, điều này sẽ làm ảnh hưởng lớn đến lớp học bên cạnh, nếu giáo viên không có cách xử lý khéo léo, lớp học có thể sẽ rất lộn xộn.

Một trong những khó khăn nữa là: trong lúc chuẩn bị trò chơi việc chia nhóm có thể mất nhiều thời gian, cho nên giáo viên cần giao nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Có thể lúc đầu cần có sự hướng dẫn của giáo viên, sau dần các thao tác sẽ đi vào nề nếp và công việc sẽ diễn ra nhanh chóng.

3. Các biện pháp vận dụng linh hoạt trò chơi “Rung chuông vàng” vào dạy học môn Tiếng Việt lớp 4 theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh

Biện pháp 1: Xác định vai trò, trách nhiệm của người giáo viên trong công cuộc đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tiếp cận năng lực để đáp ứng với nhu cầu đổi mới chương trình sách giáo khoa 2018

Nghị quyết 29/NQ-TW ngày 4 tháng 1 năm 2013 đã nêu rõ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Điều đó yêu cầu đặt ra  mục tiêu  cần phải giáo dục con người phát triển toàn diện, vừa đáp ứng yêu cầu xã hội vừa phát triển cao nhất tiềm năng của mỗi cá nhân. Phát triển năng lực và phẩm chất người học, hài hòa đức, trí, thể, mỹ thay vì chỉ chú trọng trang bị kiến thức; kết hợp hài hòa dạy người, dạy chữ và dạy nghề. Đòi hỏi người dạy tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy theo hướng tiếp cận năng lực.

Để đổi mới phương pháp giảng dạy có hiệu quả, giáo viên là yếu tố quyết định hàng đầu. Với sự nhận thức đúng đắn, với tinh thần trách nhiệm và sự quyết tâm cao, kĩ năng sử dụng thiết bị dạy học và tổ chức hướng dẫn học sinh học tập tốt là những phẩm chất cần thiết của người giáo viên trong nhà trường. Chính vì vậy, bản thân tôi nhận thức rõ được vai trò, trách nhiệm của mình. Từ đó đặt ra kế hoạch học tập, tiếp cận chương trình mới, phương pháp mới bằng những việc làm cụ thể:

– Tích cực tiếp thu  chuyên đề đổi mới phương pháp theo hướng tiếp cận năng lực tại lớp tập huấn chương trình GDPT 2018 cốt cán tại trường Đại học Vinh, nghiên cứu kỹ chương trình phổ thông 2018, đặc biệt là môn Tiếng Việt;

– Xem các video thể nghiệm về dạy học theo phương pháp mới;

– Học hỏi từ các bạn bè đồng nghiệp là cốt cán chuyên môn các trường bạn;

– Luôn có ý thức tự học để nâng cao trình độ, vì tri thức của giáo viên là những đặc điểm quan trọng trong công tác giáo dục. Giáo viên với bất cứ lớp học nào đều phải hội đủ các điều kiện về kiến thức, khả năng giảng dạy hữu hiệu, lòng nhiệt thành và sự thân thiện. Bên cạnh đó giáo viên phải phải có kỹ năng tổ chức hướng dẫn học sinh trong lớp học, có kỹ năng sử dụng đồ dùng dạy học, có năng lực tự thu thập thông tin phong phú của thời đại để phục vụ yêu cầu dạy học. Đặc biệt là biết vận dụng các trò chơi học tập một cách linh hoạt để tăng hưng phấn học tập của học sinh.

Sau khi xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người giáo viên trong công cuộc đổi mới phương pháp, bản thân tôi đã tích cực học tập và  vận dụng trò chơi “Rung chuông vàng” vào dạy học môn Tiếng Việt đem lại những tiết dạy vui tươi, nhẹ nhàng và hiệu quả.  

Biện pháp 2: Khai thác trang web http://www.blooket.com ứng dụng trò chơi học tập để tạo ra nhiều hình thức hấp dẫn dưới dạng trò chơi “Rung chuông vàng”

Blooket là một nền tảng trò chơi đố vui trên web, thích hợp để tạo ra các trò chơi cho lớp học. Điều làm nên sự khác biệt là các câu đố trong Blooket có thể được thay đổi thành nhiều kiểu chơi độc đáo, biến các câu đố thành trải nghiệm thú vị để học sinh có thể giải trí.

Blooket là web tạo trò chơi giải đố vui nhộn và dễ thương dành cho học sinh. Giống như các công cụ tạo trò chơi khác như Kahoot, giáo viên tải trò chơi về máy, tạo các bộ câu hỏi. Học sinh có thể tham gia dưới dạng trò chơi “Rung chuông vàng” với nhiều hình thức hấp dẫn khác nhau, ai có câu trả lời đúng nhanh nhất sẽ thắng.

Điểm độc đáo của Blooket là các câu đố được lồng vào bối cảnh của các trò chơi khác nhau tạo sự hào hứng cho học sinh, lôi cuốn các em tham gia tích cực vào trò chơi. Bộ 60 trò chơi học tập trên blooket cho HS tham gia chơi dưới hình thức “Rung chuông vàng” như: Bảo vệ rừng xanh, Bay lên nào, Chim cánh cụt, Cuộc đua kì thú, Dọn sạch đại dương, Bạch Tuyết và bày chú lùn, Ong về tổ, Khu vườn bí ẩn, Đua xe, Nuôi cá, Bắn cung tên, Vườn hoa, …

Một số hình ảnh về trang Web blooket và một số trò chơi ứng dụng

 

                                    Trò chơi Bay lên nào                                                                             Trò chơi Cuộc đua kỳ thú

                           Trò chơi Bảo vệ rừng xanh                                                                       Trò chơi Dọn sạch Đại Dương

Biện pháp 3: Xác định mục tiêu của trò chơi học tập “Rung chuông vàng”

Mục đích của trò chơi học tập là chuyển tải mục tiêu của bài học. Luật chơi (cách chơi) thể hiện nội dung và phương pháp học, đặc biệt là phương pháp học tập có sự hợp tác và sự tự đánh giá. Nên mục tiêu của trò chơi trong từng hoạt động hoàn toàn khác nhau vì vậy ta cần phải xác định mục tiêu cụ thể:

3.1. Trò chơi cho phần khởi động

Mục tiêu của trò chơi cho phần khởi động là kết nối kiến thức của các

bài học trước với bài học hiện tại đồng thời phải tạo được không khí vui vẻ, hào hứng cho học sinh để tiếp tục học bài mới hiệu quả hơn. Nội dung trò chơi phải đảm bảo về mục tiêu và thời gian của hoạt động không quá 5 phút.

3.2. Trò chơi cho phần hình thành kiến thức, năng lực

Sử dụng trò chơi học tập để hình thành kiến thức, kĩ năng mới là thông qua trò chơi học sinh tự chiếm lĩnh kiến thức, năng lực thông qua trò chơi; làm cho  hoạt động hình thành năng lực, phẩm chất trở nên nhẹ nhàng, cuốn hút học sinh tham gia vào hoạt động học một cách tích cực.

3.3. Trò chơi cho phần củng cố bài học, bài ôn tập, ôn tập chương

Trò chơi “Rung chuông vàng” dành cho phần củng cố, ôn tập mục đích là giúp học sinh tự mình củng cố lại những kiến thức, năng lực đã học một cách nhẹ  nhàng nhưng hiệu quả.

Biện pháp 4: Xác định cụ thể  công tác chuẩn bị khi sử dụng trò chơi “Rung chuông vàng”

Để có một tiết học thành công thì công tác chuẩn bị rất quan trọng. Chuẩn bị chu đáo, đầy đủ các đồ dùng học tập nó sẽ giúp cho người giáo viên chủ động, vận dụng trò chơi “ Rung chuông vàng” vào các hoạt động dạy học. Cụ thể:

a. Giáo viên

  • Xác định hoạt động để vận dụng trò chơi;
  • Nghiên cứu tài liệu xây dựng hệ thống câu hỏi;
  • Chuẩn bị hệ thống câu hỏi phù hợp với hoạt động đã lựa chọn;
  • Soạn câu hỏi lên máy tính, tạo âm thanh, hiệu ứng khi trình chiếu tăng thêm phần sinh động cho hoạt động chơi.

b. Học sinh

– Học sinh chuẩn bị bảng con, phấn , khăn lau, 15 cái thẻ làm bằng giấy cứng cắt theo hình bông hoa.

Biện pháp 5: Xác định các phân môn, các hoạt động trong từng phân môn của môn Tiếng việt sử dụng trò chơi “Rung chuông vàng” đạt hiệu quả

Căn cứ vào mục tiêu cuả từng hoạt động, từng môn học, giáo viên thiết kế nội dung của trò chơi cho phù hợp. Các phân môn Tiếng Việt sử dụng trò chơi “Rung chuông vàng” hợp lý và tăng thêm hiệu học tập như: Tập đọc, Tập làm văn, Luyện từ và câu, Chính tả.

Đối với phân môn Tập đọc nên tổ chức trò chơi “Rung chuông vàng” ở hoạt động khởi động hoặc củng cố vận dụng.

Đối với phân môn Luyện từ và câu có thể sử dụng trò chơi “Rung chuông vàng” ở tất cả các hoạt động. Tuy nhiên, giáo viên cần linh hoạt ưu tiên hoạt động nào sử dụng trò chơi hiệu quả hơn để vận dụng kết hợp với các phương pháp dạy học khác.

Đối với phân môn Tập làm văn nên tổ chức trò chơi này ở phần khởi động.

Đối với phân môn Chính tả áp dụng trò chơi ở phần luyện tập.

Tiết ôn tập hay ôn tập chương nên sử dụng trò chơi này cho phần thực hành.

Việc xác định các phân môn, các hoạt động phù hợp để sử dụng trò chơi học tập là một khâu quan trọng giúp cho giáo viên chủ động trong công tác dạy học theo phương pháp tiếp cận năng lực.

Biện pháp 6: Xây dựng nội dung thời lượng, luật chơi, cách chơi của trò chơi phù hợp với  thời gian của từng hoạt động áp dụng

* Xây dựng nội dung phù hợp với hoạt động khởi động:

+ Nội dung của các bài học trước, có liên quan đến bài học hiện tại;

+ Số lượng câu hỏi 5-6 câu;

+ Các câu hỏi sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó.

* Xây dựng nội dung phù hợp với hoạt động khám phá:

Đối với hoạt động khám phá, giáo viên ít sử dụng trò chơi. Tuy nhiên, có nhiều bài học học sinh khám phá kiến thức, hình thành năng lực thông qua hệ thống câu hỏi, bài tập thì nên sử dụng trò chơi “Rung chuông vàng” sẽ tạo được không khí học tập tốt hơn, phát huy được năng lực của từng cá nhân đặc biệt là năng lực giải quyết vấn đề.

+ Nội dung trò chơi cho hoạt động này tùy thuộc vào bài học;

+ Số lượng câu hỏi 10 đến 15 câu;

+ Hệ thống câu hỏi sắp xếp theo nội dung kiến thức bài học;

+ Thời lượng khoảng 12 đến 15 phút.

* Xây dựng nội dung phù hợp với hoạt động thực hành:

Đối với hoạt động này, trong tiết ôn tập, giáo viên nên vận dụng trò chơi “Rung chuông vàng” sẽ đạt hiệu quả cao.

+ Xây dựng nội dung liên quan đến các bài học trước trong chủ điểm, trong chương;

+ Số lượng 20 đến 25 câu hỏi;

+ Hệ thống câu hỏi sắp xếp theo mức từ dễ đến khó;

+ Thời gian khoảng 20 đến 25 phút.

* Luật chơi: HS lắng nghe, đọc câu hỏi ghi đáp án vào bảng cho mỗi câu hỏi.

Sau khi có đáp án đúng thì được nhân một thẻ giấy. Bạn nào xóa kết quả trước thì không được công nhận.  Cuối cuộc chơi bạn nào có số thẻ nhiều nhất bạn đó sẽ thắng cuộc.

* Cách chơi:

Vào đầu giờ học giáo viên mở máy tính cho một tiếng chuông kéo dài báo hiệu cho cả lớp tham gia trò chơi “Rung chuông vàng” để học sinh đưa bảng phấn, lau bảng ra. Sau khi nghe câu hỏi trả lời trong vòng 30 giây khi tiếng chuông báo hết giờ chơi mỗi câu thì học sinh giơ bảng lên. Giữ nguyên kết quả đến khi giáo viên cùng học sinh giao lưu chia sẻ và kết luận đúng thì bạn bên cạnh kiểm tra cho nhau và phát cho một phiếu, phiếu được phát phải để trước mặt bàn. Sau cuối trò chơi giáo viên cùng học sinh cả lớp đếm thẻ. Học sinh giơ thẻ lên cùng đếm với giáo viên, bạn nào đếm và giơ phiếu lên cuối cùng thì bạn đó thắng cuộc được lên chạm tay rung chuông.

Biện pháp 7: Dạng trò chơi “Rung chuông vàng” áp dụng cho hoạt động khởi động

 Mục đích: Trò chơi dành cho hoạt động khởi động khoảng 4-5 câu hỏi có nội dung các bài đã học trước trong chủ đề, chủ điểm nhằm mục đích kết nối kiến thức, năng lực các bài học trước với bài học hiện tại.

Luật chơi:

HS lắng nghe, đọc câu hỏi ghi đáp án vào bảng cho mỗi câu hỏi.

Sau khi có đáp án đúng thì được nhân một thẻ giấy. Bạn nào xóa kết quả trước thì không được công nhận.  Cuối cuộc chơi bạn nào có số thẻ nhiều nhất bạn đó sẽ thắng cuộc.

Cách chơi:

Vào đầu giờ học giáo viên mở máy tính cho một tiếng chuông kéo dài báo hiệu cho cả lớp tham gia trò chơi “Rung chuông vàng” để học sinh đưa bảng, phấn, khăn lau ra. Sau khi nghe câu hỏi, HS trả lời trong vòng 30 giây, khi tiếng chuông báo hết giờ cho mỗi câu các em giơ bảng lên. Giữ nguyên kết quả đến khi giáo viên cùng học sinh giao lưu chia sẻ và kết luận đúng thì bạn bên cạnh kiểm tra cho nhau và phát cho một phiếu, phiếu được phát phải để trước mặt bàn. Sau cuối trò chơi giáo viên cùng học sinh cả lớp đếm thẻ. Học sinh giơ thẻ lên cùng đếm với giáo viên, bạn nào đếm và giơ phiếu lên cuối cùng thì bạn đó thắng cuộc được lên chạm tay rung chuông.

Ví dụ: Dạy bài tập đọc: Những hạt thóc giống Tiếng Việt 4 tập 1 trang 46 thuộc chủ đề “Măng mọc thẳng”

Tổ chức trò chơi “ Rung chuông vàng” cho hoạt động khởi động như sau:

Câu 1: Tô Hiến Thành là người như thế nào?

A. Chính trực                      B. Hiền lành                       C. Hay nịnh hót

Đáp án: A. Chính trực

Câu 2: Hình ảnh : “Nòi tre đâu chịu mọc cong, cây măng mọc lên đã mang dáng thẳng thân tròn của tre, tre già truyền gốc cho măng” gợi lên phẩm chất tốt đẹp gì của người Việt Nam?

A. Cần cù                   B. Đoàn kết                         C. Ngay thẳng

Đáp án:  C. Ngay thẳng

Câu 3: Gạch bỏ từ không cùng nhóm với các từ còn lại:

Trung thực, chính trực, nhanh nhẹn, ngay thẳng

Đáp án:     Nhanh nhẹn

Câu 4: Từ chính trực đồng nghĩa với từ nào trong các từ sau:

A. Ngoan ngoãn                            B. Trung thực                     C. Chăm chỉ

Đáp án:     B. Trung thực

Kết thúc trò chơi là một hồi chuông (giáo viên tự tạo ở máy tính). Tất cả các em ai cũng được tham gia và rất phấn khởi. Bắt đầu vào bài mới một cách nhẹ nhàng, thoải mái. Trò chơi đã tạo cho tiết học trở nên vui vẻ, sinh động hơn. Giáo viên bắt đầu từ nghĩa của từ trung thực nói về cậu bé Chôm từ đó để giới thiệu bài một cách logic và hấp dẫn.

Biện pháp 8: Dạng trò chơi “Rung chuông vàng” áp dụng cho hoạt động củng cố – vận dụng

Mục đích: Giúp học sinh củng cố, khắc sâu được kiến thức trong bài học và biết vận dụng vào cuộc sống.

Chuẩn bị : Giáo viên chuẩn một số câu thơ, đoạn thơ, câu tục ngữ, thành ngữ mà học sinh đã được học thuộc lòng ở những tiết trước, lớp trước – ghi sẵn vào phiếu nhỏ hoặc trong giáo án, ở máy tính, ….

Cách chơi: GV nêu tên trò chơi, cách chơi, luật chơi(Như đã nêu ở biện pháp 5, tổ chức cho HS chơi.

* Ví dụ: Dạy bài Động từ (LTVC Tiết 18 tuần 9)

Mục đích: Giúp học sinh khắc sâu được kiến thức về động từ, tìm được động từ phù hợp để điền vào chỗ trống.

Chuẩn bị:

+ Giáo viên chuẩn bị các slide trình chiếu

1. Mặt trời … núi.

2. Đàn cá… tung tăng.

3. Học sinh …trường.

4. Cây cối … chồi, … lộc.

5. Bão bùng thân bọc lấy thân

Tay … tay … tre gần nhau thêm.

6. Anh đi anh … quê nhà

… canh rau muống, … cà dầm tương.

+ HS chuẩn bị sẵn bảng con, phấn, khăn lau

Cách chơi: (GV tổ chức cho HS chơi tương tự như bài danh từ)

– Giáo viên nêu tên trò chơi, hướng dẫn cách chơi, luật chơi.

– Tổ chức cho HS chơi:

GV nêu yêu cầu: Tìm động từ điền vào chỗ chấm cho phù hợp.

GV trình chiếu nội dung bài tập

Tiếp tục như thế với các nhóm từ còn lại.

Đáp án: HS viết bảng:

Câu 1) xuống               4) bơi lội (bơi)

2) đến                  5) đâm, nảy

3) ôm, níu            6) nhớ

Vận dụng trò chơi “Rung chuông vàng” vào hoạt động củng cố đã giúp học sinh khắc sâu được kiến thức bài học đồng thời biết vận dụng vào thực tiễn những gì mình vừa học được. Trò chơi này vừa làm cho không khí tiết học vui vẻ , các em rất hào hứng  học tập, vừa phát huy được năng lực của từng học sinh. Tất cả các em đều được tham gia.  Những học sinh đạt nhiều thẻ nhất sẽ được tuyên dương, những em khác có thêm ý chí quyết tâm và nỗ lực hơn nữa.

Biện pháp 9: Dạng trò chơi “ Rung chuông vàng” áp dụng cho tiết dạy ôn tập

Mục đích: Củng cố kiến thức đã học trong chủ điểm, giữa kì, cuối kì

Chuẩn bị:

GV chuẩn bị hệ thống câu hỏi; máy tính

– HS: Bảng con, phấn, khăn lau, thẻ

Phổ biến cách chơi, luật chơi: Như đã nêu ở biện pháp 5

Ví dụ: Bài luyện tập (Tiết 7) Trang 100 Tiếng việt lớp 4 tập 1

Với dạng tiết học như thế này, giáo viên tổ chức cho học sinh tham gia trò chơi “Rung chuông vàng” sẽ củng cố lại các nội dung đã học đồng thời làm cho tiết học sinh động, vui vẻ. Học sinh không những phát huy được năng lực của mình mà qua đó còn hình thành được những phẩm chất tốt đẹp cho học sinh như phẩm chất: trung thực, ý thức, kỷ luật tốt, chăm học. Sau mỗi kết quả, học sinh sẽ phát thẻ cho bạn bên cạnh nếu đúng. Điều đó, giúp cho học sinh hào hứng hơn.

Biện pháp 10: Dạng trò chơi “Rung chuông vàng” áp dụng cho tiết sinh hoạt câu lạc bộ “ Em yêu Tiếng Việt” khối 4

Mục tiêu: Giúp cho học sinh được trải nghiệm, củng cố được kiến thức Tiếng Việt đã học, vận dụng những điều học được vào thực tiễn. Hình thành cho học sinh những năng lực, phẩm chất cần thiết như: trung thực, chăm học, có ý thức cố gắng, năng lực tự học, tự giải quyết vấn đề.

Chuẩn bị:

+ Các giáo viên khối 4 chuẩn bị hệ thống câu hỏi, máy tính, máy chiếu, phiếu thẻ.

+  Học sinh chuẩn bị bảng, phấn, khăn lau.

Luật chơi, cách chơi:

  1. Học sinh phải ngồi theo đúng số báo danh đã bốc thăm tương ứng với vị trí giáo viên quy định trên sân, sau khi nghe người dẫn chương trình đọc câu hỏi (trên màn hình chiếu), suy nghĩ ghi kết quả vào bảng con của mình, ghi xong úp bảng lại (thời gian suy nghĩ và ghi kết quả ở mỗi câu là 15 giây).
  2. Người dẫn chương trình thông báo hết thời gian, thí sinh đưa bảng của mình lên.
  3. Người dẫn chương trình thông báo đáp án câu hỏi, thí sinh nào có kết quả đúng

giữ nguyên kết quả của mình để giáo viên phát thẻ đúng.

  1. Học sinh nào có nhiều thẻ đúng nhất được quyền “Rung chuông vàng” và nhận phần thưởng đặc biệt.

NHỮNG HÌNH ẢNH THAM GIA TRÒ CHƠI RUNG CHUÔNG VÀNG CỦA HỌC SINH

                           Câu lạc bộ Em yêu Tiếng Việt                                                    Giao lưu Trạng Nguyên Tiếng Việt nhỏ tuổi

Những thành viên xuất sắc trong cuộc giao lưu

Giao lưu Trạng Nguyên Tiếng Việt nhỏ tuổi

4. Kết luận

Đối với học sinh ở bậc Tiểu học “Chơi mà học, học mà chơi” là một phương châm không thể thiếu được. Vì vậy, giáo viên sử dụng các trò chơi học tập là hết sức quan trọng và bổ ích. Thông qua trò chơi học tập, không chỉ làm cho các em hứng thú hơn trong học tập mà còn giúp các em tự tin hơn, có cơ hội khẳng định mình và tự đánh giá nhau trong học tập. Vì vậy vận dụng linh hoạt trò chơi “Rung chuông vàng” vào dạy học môn Tiếng Việt lớp 4 theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh  không những góp phần đổi mới trong công tác dạy học, phát huy tốt vai trò chủ động của cả người dạy lẫn người học, khẳng định việc đánh giá kết quả học tập và năng lực, phẩm chất của học sinh theo thông tư 22/2016 của BGD&ĐT mà còn tạo tiền đề cho việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong thời gian tới.

 

Tác giả Lâm Thị Lệ Hằng – GV trường TH – THCS – THPT Đại học Hà Tĩnh