Một số kinh nghiệm dạy học giúp học sinh khối lớp 1 trường TH, THCS, THPT – ĐH Hà Tĩnh học tốt môn Mỹ thuật, sách Cánh diều

Tóm tắt:

Trong bài viết, Tôi đã tiến hành nghiên cứu cơ sở lý luận liên quan đến đề tài như đặc điểm tâm lý học sinh lớp 1, đặc điểm về năng lực cảm thụ thẩm mĩ, năng lực cảm thụ tranh và vẽ tranh của học sinh lớp 1; đánh giá thực trạng dạy và học môn Mĩ thuật lớp 1 từ năm học 2020 – 2021 đến năm học 2022 – 2023, từ đó đề xuất một số biện pháp nhằm giúp học sinh Khối lớp 1 của Trường học tốt hơn môn Mĩ thuật.

Nội dung:

  1. Cơ sở lý luận

Học sinh lớp một là lứa tuổi ngây thơ trong sáng, biểu hiện tình cảm yêu ghét rõ ràng. Đây là lứa tuổi mà các em bắt đầu làm quen với cái mới, hình thành những kiến thức cơ bản, cần thiết về đường nét, hình khối, đậm nhạt, màu sắc, bố cục. ..

Các em bắt đầu tập quan sát, qua đó phát triển tư duy, trí tưởng tượng, sáng tạo, bước đầu cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên, cuộc sống, con người, biết vận dụng những kĩ năng đó vào trong cuộc sống. Trong quá trình làm bài, các em thường e ngại, sợ sai nên phần nào hạn chế, không thể hiện được hết ý tưởng của mình.

Sự phát triển thể chất tâm lý, trí tuệ của các em thường không đồng đều, không phải em nào cũng có năng khiếu mĩ thuật, đa phần các em còn bỡ ngỡ vụng về trong khi vẽ, điều chỉnh hình vẽ nét bút không theo suy nghĩ của bản thân, và lứa tuổi này còn ở tuổi ham thích vui chơi hoạt động, do đó trong bài vẽ đặc biệt là các bức tranh đề tài thể hiện rõ dấu ấn của sự hồn nhiên ngây thơ, ngộ nghĩnh và hết sức chân thành.

Ở lớp một, đa số các em thích vẽ theo suy nghĩ, ý thích của mình hơn là vẽ theo sự hướng dẫn của giáo viên, đặt bút vào là vẽ không theo trình tự khuôn khổ các bước vẽ hoặc các em cũng thường vẽ giống với những bài mẫu mà mình tham khảo được.

Ở lứa tuổi này tri giác của các em mang tính đại thể, ít đi sâu vào chi tiết, tri giác những gì gây ấn tượng mạnh đối với các em hoặc tri giác những gì yêu thích. Tình cảm có ảnh hưởng đến độ nhanh, độ bền.

Học sinh lớp một sắp xếp hình vẽ trong khung tranh chưa cân đối; còn rời rạc không thuận mắt; màu sắc thiếu đậm, nhạt hoặc phối hợp màu chưa hài hòa và cũng có em vẽ hình đẹp nhưng do chưa biết sắp xếp hình ảnh hợp lí và trọng tâm trong tranh, có em vẽ đẹp nhưng chưa biết phối hợp màu cũng làm cho các bức tranh chưa đẹp.

  1. Thực trạng dạy và học môn Mĩ thuật lớp 1, Trường TH, THCS và THPT Đại học Hà Tĩnh

2.1. Những thuận lợi và khó khăn đối với việc dạy học môn Mĩ thuật lớp 1

2.1.1. Thuận lợi

Có sự quan tâm giúp đỡ, chỉ đạo sát sao của Ban giám hiệu nhà trường; sự quan tâm của cha mẹ học sinh, giáo viên chủ nhiệm lớp;

Bản thân là giáo viên được đào tạo hệ đại học sư pham Mĩ thuật, có kinh nghiệm giảng dạy, được tham gia bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ của cấp trên tổ chức, có đủ điều kiện để đáp ứng cho việc dạy học môn Mĩ thuật ở trường tiểu học.

Trường có tương đối đầy đủ về thiết bị, đồ dùng dạy học như: Có phòng mĩ thuật riêng biệt, có các loại tranh ảnh tham khảo, có ti vi để trình chiếu cho học sinh, họa cụ được học sinh trang bị khá đầy đủ;

Có nhiều cha mẹ học sinh quan tâm đến việc học hành của con em. Học sinh ngoan, ham mê học vẽ. Có sự hợp tác tốt giữa giáo viên và học sinh.

2.2.2. Khó khăn:

Bên cạnh những thuận lợi nêu trên thì vẫn còn một số khó khăn còn gặp phải:

Do quan niệm của một số cha mẹ học sinh môn học phụ, chưa coi trọng kết quả của giáo viên và học sinh, một số phụ huynh thiếu sự quan tâm mua sắm đồ dùng học tập, nên điều đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng học tập của học sinh và giảng dạy của giáo viên, gây cảm giác chán nản, không tự tin khi đến trường của các em;

Phòng học Mĩ thuật chưa có không gian trưng bày sản phẩm của học sinh, nên sản phẩm làm ra của học sinh không thể trưng bày và giữ gìn  lâu được;

Ngoài ra tài liệu tham khảo cho giáo viên và học sinh trong nhà trường chưa phong phú, chưa phù hợp các bài học cụ thể… Vì thế ảnh hưởng lớn đến kết quả học tập và giảng dạy của giáo viên và học sinh.

2.2. Những thành công và hạn chế khi thực hiện đề tài.

2.2.1. Thành công

Là giáo viên dạy môn Mĩ thuật lớp 1, để có những kiến thức truyền thụ lại cho các em thì bản thân cũng phải không ngừng tìm tòi, học hỏi qua sách báo, mạng Internet, đồng nghiệp, tài liệu chuyên môn, luôn luôn đổi mới phương pháp và hình thức dạy học, luôn tạo không khí lớp học sôi nổi, tạo cảm giác hứng thú trong mỗi tiết học.

Tôi đã vận dụng tốt các phương pháp và hình thức dạy học giúp học sinh luôn thoải mái, tự tin thể hiện những bài vẽ, nét vẽ ngộ nghĩnh,đáng yêu, tạo ra những bức tranh đầy cảm xúc, có bố cục cân đối, hài hòa, màu sắc tươi sáng có đậm, có nhạt. Tạo cho các em sự tự tin, hứng thú, lòng yêu thích môn học, thích thể hiện mình trước bạn bè và thầy cô giáo. Căn cứ vào đặc trưng, mục tiêu của môn Mĩ thuật và đặc biệt là phân môn vẽ tranh, đồng thời giáo dục học sinh yêu thiên nhiên,. biết bảo vệ môi trường xung quanh và tạo ra được những bức tranh đẹp. Tạo không khí tiết học sôi nổi, bài vẽ tranh của các em sẽ tốt hơn, rõ nội dung đề tài, hình ảnh trong tranh sinh động, màu sắc tươi sáng, có đậm nhạt. Càng ngày càng nhiều em yêu thích môn học.

2.2.2. Hạn chế

Học sinh chưa nắm bắt được cách xây dựng hình tượng điển hình, bài vẽ còn chung chung, mang nặng tính hình thức. Trong khi tiến hành bài vẽ các em không tuân theo trình tự tiến hành các bước vẽ, mà làm theo ngẫu hứng, thích vẽ cái gì thì vẽ, ít chú trọng trước sau hay chính phụ trong bài vẽ. Học sinh tiểu học chưa có thói quen sưu tầm tài liệu để phục vụ cho bài học, chưa có thói quen quan sát nhận xét sự vật hiện tượng cho bài vẽ để bài vẽ có chiều sâu và hiệu quả hơn. Kỹ năng sử dụng màu vẽ của các em chưa tốt, chưa cẩn thận.

Do thói quen vẽ nét bằng chì dễ tẩy, vẽ bằng màu khó tẩy xóa nên nhiều em chưa đủ tự tin để vẽ bằng bút dạ màu. Một số học sinh chưa sáng tạo đã lạm dụng tranh mẫu để vẽ theo khi được quan sát tranh mẫu hoặc mô hình mẫu. Khi lồng ghép hoạt động trò chơi học tập một số học sinh còn gây ồn ào hoặc chưa tích cực tham gia.

  1. Các biện pháp giúp học sinh lớp Khối lớp 1 nâng cao năng lực vẽ tranh, học tốt môn Mĩ thuật

3.1. Đổi mới tiến trình dạy học môn Mĩ thuật lớp 1 theo hướng phát huy tính tích cực sáng tạo và hứng thú học tập của học sinh

Thứ nhất là: Chuẩn bị đồ dùng dạy học    

Để làm đồ dùng dạy học phục vụ cho các bài vẽ tranh, tốt nhất là sử dụng tranh vẽ của học sinh. Các tranh này phải có những nét điển hình để có thể giúp cho giáo viên khai thác phục vụ tốt cho bài dạy, gồm 3 loại: loại tốt, loại trung bình và loại chưa đạt yêu cầu.

Trước khi sử dụng, giáo viên cần suy nghĩ, tìm hiểu nội dung của từng bức tranh, tránh sử dụng tranh mẫu một cách hời hợt hoặc tùy tiện, thiếu cân nhắc. Ngoài các tranh mẫu, giáo viên cần chuẩn bị hình gợi ý cách vẽ theo yêu cầu cụ thể của từng bài. Giáo viên cần luyện tập thành thục cách vẽ bảng và kết hợp vẽ bảng với phương pháp dạy học một cách hợp lí để giúp cho học sinh tiếp thu tốt và dễ dàng hơn.

Thứ hai là: Hướng dẫn tìm, chọn nội dung

Mỗi đề tài có nhiều nội dung khác nhau. Có hiểu được nội dung đề tài, học sinh nhớ lại, tưởng tượng được những hình ảnh có liên quan đến nội dung bài vẽ. Ở phần này, giáo viên nên chuẩn bị hệ thống câu hỏi cụ thể từ dễ đến khó, có liên quan trực tiếp đến nội dung chủ đề để giúp học sinh tìm hiểu và tiếp cận với đề tài.

Tránh những câu hỏi khó (nên dùng phương pháp gợi mở gây hứng thú để lôi cuốn học sinh trả lời các câu hỏi và tìm hiểu nội dung bài). Câu hỏi nên gắn với các hình minh họa (tranh, ảnh). Tranh, ảnh dùng để minh họa cần có nét điển hình, tiêu biểu giúp học sinh tiếp cận nhanh với nội dung đề tài. Khi học sinh trả lời chưa đúng, giáo viên cần bổ sung, định hướng để học sinh hiểu và trả lời đúng câu hỏi, sát với nội dung. Cần dành thời gian hợp lý cho phần tìm, chọn nội dung đề tài ở các bài vẽ tranh.

Thứ ba là : Hướng dẫn học sinh sắp xếp hình ảnh (bố cục) trong tranh.

Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa lời giảng và tranh minh họa nhằm gợi ý để học sinh suy nghĩ, nhớ lại những hình ảnh có liên quan đến nội dung (người, vật, nhà cửa, cây cối,…có thể vẽ vào tranh). Cần lưu ý học sinh cách chọn hình ảnh chính, hình ảnh phụ và cách sắp xếp các hình ảnh đó sao cho hợp lí, cân đối, có trọng tâm, rõ nội dung. Tùy theo từng bài mà chọn hình ảnh và sắp xếp bố cục cho phù hợp, tránh rườm rà hay đơn điệu.

Việc hướng dẫn, gợi ý cách bố cục bức tranh cho hợp lý là rất cần thiết, nhưng để học sinh vẽ được tranh đẹp, tốt nhất là sau khi gợi ý chung hãy để các em vẽ tự do vẽ theo khả năng của mình, tránh bắt buộc các em vẽ theo khuôn mẫu hoặc theo ý chủ quan của giáo viên. Luôn nhắc nhở học sinh vẽ theo cảm nhận, không bắt chước, không sao chép tranh của bạn, của tranh mẫu.

Thứ tư là : Hướng dẫn học sinh vẽ màu

Khi hướng dẫn học sinh vẽ màu, giáo viên cần giới thiệu cách sử dụng các chất liệu như : bút dạ, sáp màu, màu nước,…thông qua việc giới thiệu cách vẽ màu của các bức tranh và cách  phạm thị của giáo viên. Việc hướng dẫn vẽ màu cần khéo léo và mang tính chất gợi ý, động viên khích lệ, tránh ép buộc học sinh vẽ màu theo ý của giáo viên hoặc bắt chước các tranh mẫu.

Để học sinh vẽ màu tự do theo ý thích, chắc chắn các em sẽ phát huy được năng lực của bản thân và bộc lộ rõ cá tính của mình. Song nếu không có sự quan tâm, hướng dẫn, giúp đỡ của giáo viên thì nhiều học sinh sẽ bị lúng túng, vẽ màu sẽ bị quá lòe loẹt hoặc tối xỉn hay sử dụng những màu không ăn nhập với nhau.

Nếu trong một lớp nhiều học sinh không có màu giáo viên có thể cho các em thể hiện bài vẽ theo nhóm hoặc ngồi theo nhóm và sử dụng chung màu. Làm như vậy thì tất cả các em đều được sử dụng màu và hoàn thành bài vẽ.

3.2. Thiết kế và sử dụng đồ dùng dạy học

Các bài vẽ đều có sự lôgic, liên quan với nhau. Chính vì vậy mà tôi đã thiết kế ra một số đồ dùng phục vụ cho các bài học có liên quan đến phần vẽ tranh như sau :

Khi dạy bài vẽ về hình khối, có hình tam giác tôi đã dùng những tấm bìa xốp màu cắt thành các hình tam giác khác nhau để giới thiệu với học sinh về một số dạng hình tam giác. Sau khi giới thiệu với học sinh các dạng hình tam giác khác nhau, tôi yêu cầu học sinh nêu những đồ vật, con vật,…có dạng hình tam giác trong cuộc sống và tôi dùng các hình tam giác đó ghép thành một số hình như: con cá, thuyền buồm, ngôi nhà, mái nhà, núi,…để các em quan sát. Từ đó các em sẽ liên tưởng rất nhanh đến đến các nêu những đồ vật, con vật,…có dạng hình tam giác trong cuộc sống, trong thiên nhiên.

Cũng tương tự, sang bài vẽ nét cong, tôi đã chuẩn bị các hình như: bông hoa, mặt trời, đám mây, cây, con vật,…và cho học sinh quan sát. Sau khi học sinh quan sát, tôi yêu cầu các em suy nghĩ và vẽ bất kỳ một hình vẽ có nét cong vào giấy, sau đó cho học sinh quan sát hình vẽ mà cả lớp đã vẽ được. Từ ngân hàng hình ảnh này, khi vào thực hành, các em có thể dễ dàng vẽ được một bức tranh mà các hình ảnh có sử dụng nét cong. Ngoài ra, tôi còn sử dụng ngân hàng hình vẽ đen trắng và hình vẽ màu (sưu tầm qua Google) cho các bài học liên quan cho học sinh tham khảo.

3.3. Lồng ghép trò chơi vào tiết dạy

Trong các tiết dạy, tùy vào từng nội dung bài dạy, giáo viên có thể sử dụng linh hoạt các trò chơi như sau:

Trò chơi 1: Tạo hình các con vật nuôi trong nhà bằng lá cây

– Mục tiêu: Rèn luyện kỹ năng quan sát và thực hành sử dụng các hình dạng lá cây để tạo hình con vật cho học sinh.

Với bài học này, người giáo viên sử dụng trò chơi “tiếp sức” sau khi hướng dẫn cho học sinh phần cách vẽ chọn hình lá cây và sắp xếp hình để tạo sự hứng thú, thoải mái cho các em khi bước vào thực hành.

– Chuẩn bị: 3 tờ giấy rô – ki khổ A2, mỗi tờ vẽ 4 hình tròn cách đều nhau.; 12 bút dạ màu

– Cách chơi: Thành lập 3 đội, mỗi đội có 2 học sinh, khi có hiệu lệnh của giáo viên, từng học sinh của mỗi đội sẽ lần lượt lên sắp xếp và dán hình lá mang hình dáng các bộ phận con vật cần tạo vào các hình tròn đó hình vẽ; thời gian từ 1 đến 2 phút, đội nào làm nhanh và tạo được nhiều con vật, đội đó sẽ thắng.

Trò chơi 2: Đoán tên con vật

– Mục tiêu: Rèn luyện kỹ năng quan sát nhanh

– Chuẩn bị: Tranh khổ A2 vẽ các con vật chưa hoàn chỉnh; Phấn trắng.

– Cách chơi: Chơi trong lớp học; chia học sinh thành 2 nhóm ngồi ở 2 dãy bàn riêng. Khi nghe hiệu lệnh của giáo viên, các nhóm ngồi ở mỗi dãy bàn quan sát tranh minh họa các hình vẽ các con vật chưa hoàn chỉnh, thời gian là 2 phút, sau đó cử thành viên lên bảng viết tên các con vật, nhóm nào viết nhanh, nhiều và đúng sẽ thắng cuộc.

          Trò chơi 3: Tìm bố cục

– Mục tiêu: Rèn luyện kỹ năng chọn các bố cục cho trong các bài vẽ

– Chuẩn bị: 2 bộ hình bằng bìa cứng, mỗi bộ có 3 cách sắp xếp bố cục khác nhau: to, nhỏ, vừa; Hồ dán, nam châm.

– Cách chơi: Chọn 2 đội, mỗi đội gồm 3 học sinh; Giáo viên phát cho mỗi đội một bộ hình gồm 3 cách sắp xếp, yêu cầu học sinh lựa chọn các cách sắp xếp cân đối và không cân đối dán lên bảng; Khi có hiệu lệnh của giáo viên, các đội dán lên bảng các cách sắp xếp theo yêu cầu, đội nào làm nhanh và đúng sẽ thắng.

Trò chơi 4: Tập làm giám khảo

– Mục tiêu: Luyện tập, củng cố kiến thức đã học

– Chuẩn bị: Sản phẩm của học sinh sau tiết học (4 bài vẽ của học sinh); Kẹp treo tranh; Nam châm.

– Cách chơi: Giáo viên yêu cầu mỗi nhóm trưng bày sản phẩm của nhóm mình lên bảng hoặc lên bàn và cử một đại diện nhận xét về nội dung đề tài, cách sắp xếp hình ảnh trong tranh, về màu theo cảm nhận riêng. Nhóm nào nhận xét hợp lý sẽ thắng cuộc.

Trò chơi 5: Ghép hình

– Mục tiêu: Rèn luyện kỹ năng sáng tạo và xây dựng được đề tài riêng.

– Chuẩn bị: Các mảnh ghép là hình vuông, hình chữ nhật, hình tam giác, hàng rào, một số loại cây khác nhau về hình dáng, kích thước; mặt trời, mây, con vật, cỏ hoa. Mỗi một loại hình đều có những mảnh ghép và màu sắc khác nhau đã được gắn keo hai mặt; giấy A4.

Cách chơi: Chia lớp thành 3 nhóm, mỗi nhóm 2 em. Sau thời gian 2 phút, nhóm nào gắn các mảnh ghép thành bức tranh nhanh và rõ nội dung đề tài thì nhóm đó sẽ giành chiến thắng.

          Trò chơi 6: Vẽ màu vào tranh

– Mục tiêu: Rèn luyện kỹ năng vẽ màu cho học sinh

– Chuẩn bị: Giáo viên chuẩn bị 4 bức tranh đơn giản về đường nét.

– Cách chơi: Giáo viên chia lớp thành 4. Nhóm (mỗi nhóm 2 em) và cho các nhóm thi đua tô màu vào bức tranh nhanh, đẹp, phù hợp. Sau thời gian 2 phút, nhóm nào tô màu đẹp và hoàn thành nhah thì nhóm đó thắng cuộc

Kết luận

Trong một tiết học mĩ thuật, giáo viên phải biết kết hợp các biện pháp nói trên một cách linh hoạt để đạt được hiệu quả cao trong việc dạy và học. Nên lấy học sinh làm chủ đạo hướng cho các em vừa học vừa chơi, không nên áp đặt, để các em không có cảm giác chán nản khi tham gia môn học, để các em tự phát huy hết khả năng sáng tạo của mình.

Qua quá trình thực hiện giải pháp tôi thấy trong giờ học học sinh tìm ra được chủ đề rất lạ, hay, bố cục và hình vẽ không bị lệ thuộc vào các đồ dùng xung quanh như sách vở hay cách vẽ của thầy cô giáo. Các em tự tìm ra cách vẽ cho riêng mình. Tôi nhận thấy các em có cảm hứng với môn vẽ tranh hơn trước và đặc biệt có rất nhiều em tiến bộ trong cách vẽ, cách nghĩ không sao chép lại tranh vẽ của người khác.

Tôi thiết nghĩ trong quá trình giảng dạy người giáo viên cần tạo được hứng thú cho học sinh trong giờ dạy bằng nhiều cách. Người  thầy, người cô phải thật sự yêu nghề và truyền tình yêu cho học sinh. Tạo hứng thú cho học sinh trong tiết học bằng cách tạo tâm thế cho học sinh ngay ở hoạt động vào bài bằng cách sử dụng những hình ảnh, những đoạn nhạc có hình ảnh liên quan đến bài học. Giáo viên chú ý tạo hứng thú bằng cách đặt những câu hỏi khơi gợi thông tin, kích thích trí tò mò và tư duy sáng tạo của học sinh. Ngoài ra, giáo viên chú ý cách phát huy tính tích cực của học sinh bằng cách lồng ghép trò chơi trong giờ học để tập cho học sinh “học mà chơi, chơi mà học” để từ đó giúp các em phát triển trí nhớ, trí tưởng tượng sáng tạo thông qua việc tái tạo nội dung, hình ảnh trong bài vẽ của mình. Thực hiện tốt những điều này sẽ giúp các em bộc lộ mình  một cách thoải mái, giờ học không gò bó, nặng nề như trước.

Để học sinh học tốt môn Mĩ thuật, vẽ tranh đẹp thì ngành giáo dục, nhà trường cần tạo mọi điều kiện tốt hơn như: trang bị cơ sở vật chất, các dụng cụ, đồ dùng phục vụ cho việc dạy và học môn Mĩ thuật. Giáo viên cần đề xuất với Nhà trường và kết hợp với Đoàn, Đội tổ chức các cuộc thi vẽ tranh cho học sinh, nhất là học sinh khối tiểu hoc; hỗ trợ tốt hơn cho các em khi tham gia các cuộc thi vẽ tranh do các tổ chức bên ngoài Trường phát động. Phụ huynh cần quan tâm đến con em mình nhiều hơn, sát thực hơn đối với việc học Mĩ thuật của các em, cụ thể là đồ dùng học tập.

 

Tác giả: Trần Thị Diệu – Giáo viên Trường TH, THCS, THPT – ĐH Hà Tĩnh