Nâng cao hiệu quả giờ học bài “Ôn tập truyện” – Ngữ văn 9 thông qua việc vận dụng sơ đồ tư duy tại trường TH, THCS, THPT – Đại học Hà Tĩnh

I. Tóm tắt

Đơn vị kiến thức về truyện hiện đại là một phần quan trọng trong chương trình Ngữ văn lớp 9 và thường xuyên có trong các đề kiểm tra, đề thi tuyển sinh lớp 10 THPT hàng năm. Từ thực tế đó cùng  những trăn trở của bản thân trong quá trình dạy học, với mong muốn giúp học sinh khối 9 trường TH, THCS, THPT – Đại học Hà Tĩnh hoàn thiện kĩ năng khái quát vấn đề, từ đó lĩnh hội, tiếp thu tri thức bài học một cách nhanh chóng, hiệu quả và làm tốt các đề thi, đề kiểm tra môn Ngữ văn, bài viết nhằm đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả giờ học bài “Ôn tập truyện” – Ngữ văn 9 thông qua việc vận dụng sơ đồ tư duy tại trường TH, THCS, THPT – Đại học Hà Tĩnh

II. Nội dung

1. Đặt vấn đề

Ôn tập là giúp học sinh hệ thống hóa kiến thức đã học một cách toàn diện cô đọng nhất. Với tiết “Ôn tập truyện” (phần truyện hiện đại Việt Nam) là giúp học sinh củng cố kiến thức về những tác phẩm đã học trong chương trình Ngữ văn 9 trên các phương diện về thể loại tự sự (nghệ thuật trần thuật, xây dựng nhân vật, cốt truyện, tình huống truyện) và cả năng lực cảm thụ, khái quát hóa.

Trong những năm gần đây định hướng đổi mới phương pháp dạy học là tích cực hóa hoạt động học tập của học sinh. Để phát huy tính tích cực của học sinh, giáo viên cần tạo điều kiện để học sinh được suy nghĩ nhiều hơn, làm nhiều hơn và thảo luận nhiều hơn … học sinh phải được tham gia vào quá trình học tập để tự chiếm lĩnh kiến thức. Với định hướng chung đó, ngành Giáo dục đã triển khai chuyên đề “Ứng dụng công nghệ thông tin và bản đồ tư duy hỗ trợ đổi mới phương pháp dạy học”. Đây là một trong những biện pháp thiết thực góp phần đổi mới phương pháp giảng dạy.

Bản đồ tư duy hay còn gọi là sơ đồ tư duy, là hình thức ghi chép nhằm tìm tòi, đào sâu, mở rộng một ý tưởng, tóm tắt một ý chính của một nội dung, hệ thống hóa một chủ đề … bằng cách kết hợp việc sử dụng hình ảnh, đường nét, màu sắc, chữ viết.

Đối với bài ôn tập, kiến thức mà các em phải nhớ là rất nhiều. Đặc biệt đối với phần Văn, yêu cầu các em phải nhớ thông tin, số liệu về tác giả, tác phẩm và cả khái quát giá trị chung của tác phẩm. Trong khi đó, các tác phẩm truyện lại học rải rác ở cả học kì I và học kì II, các tiết học theo thứ tự tác phẩm cũng không tuân theo tiến trình thời gian, không theo chủ đề,… Với thế mạnh của sơ đồ tư duy là kiến thức được hệ thống hóa dưới dạng sơ đồ, các đường nối là sự diễn tả mạch logic kiến thức, cộng thêm màu sắc, đường nét sinh động sẽ giúp các em dễ nhớ và hiểu một cách sâu sắc hơn. Bên cạnh đó, với hoạt động vẽ sơ đồ tư duy, các em được tự do sáng tạo trong việc trình bày kiến thức của mình nên giờ ôn tập không còn nặng nề mà sôi nổi hơn. Từ đó việc tổ chức tiết ôn tập có hiệu quả rõ rệt so với trước đây. Một số kết quả nghiên cứu cho thấy bộ não của con người sẽ hiểu sâu, nhớ lâu và in đậm cái mà do chính mình tự suy nghĩ, tự viết, vẽ ra theo ngôn ngữ của mình vì vậy việc sử dụng sơ đồ tư duy giúp học sinh  học tập một cách tích cực, huy động tối đa tiềm năng của bộ não.

2. Thực trạng của vấn đề

Là một giáo viên dạy môn Ngữ Văn, từ thực tế giảng dạy của bản thân và tham khảo đồng nghiệp, tôi nhận thấy nhìn chung đa số giáo viên của trường TH, THCS, THPT – Đại học Hà Tĩnh có chuyên môn cao, nhiệt tình trong công tác giảng dạy, ham học hỏi, chăm lo quan tâm đến học sinh. Học sinh của trường phần lớn là con, em gia đình sống tại thành phố Hà Tĩnh nên có điều kiện học tập tốt, nhưng đa số muốn định hướng cho học các môn tự nhiên nên chưa thực sự đầu tư cho con, em mình học môn xã hội nói chung, môn Ngữ Văn nói riêng. Ngoài ra, một số học sinh vì lười học, chán học nên không chuẩn bị tốt tâm thế cho giờ học văn. Có nhiều em không chịu đọc sách, kể cả văn bản trong sách giáo khoa. Điều này có ảnh hưởng không ít đến chất lượng học tập bộ môn.

a. Ưu điểm:

Trong vài năm gần đây, việc dạy các bài ôn tập Ngữ văn đã có những đổi mới đáng kể khiến cho việc dạy của giáo viên và việc học của học sinh có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể:

Về phía giáo viên:      

Đại đa số giáo viên đã cố gắng thay đổi phương pháp giảng dạy đối với bài ôn tập để phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh.

Giáo viên đã tích cực hướng dẫn học sinh thảo luận nhóm, bổ trợ kiến thức cho nhau và thông qua hoạt động này những học sinh yếu kém được hoạt động dưới sự hướng dẫn của giáo viên và các bạn khá giỏi, qua đó các em nắm chắc kiến thức và hiểu sâu hơn về đặc trưng của thể loại và giá trị của từng tác phẩm văn học …

Trong quá trình giảng dạy, giáo viên đã kết hợp nhuần nhuyễn các đồ dùng dạy học, khai thác một cách triệt để các đồ dùng và phương tiện dạy học như sử dụng các bảng biểu, máy chiếu …

Về phía học sinh:

Học sinh đa số đã chú ý đến việc chuẩn bị bài ở nhà nên khi giáo viên tổ chức ôn tập các em đã hoàn thành được các bài tập tái hiện kiến thức hay giải quyết được những vấn đề mang tính khái quát, suy luận.

Đa số học sinh đều tích cực thảo luận nhóm và đã đưa lại hiệu quả khá cao trong quá trình ôn tập.

Học sinh yếu kém đã và đang cố gắng nắm bắt các kiến thức trọng tâm cơ bản thông qua các hoạt động học như thảo luận nhóm, vấn đáp, đọc sách giáo khoa, lập bảng hệ thống kiến thức. Các em đã mạnh dạn khi trả lời các câu hỏi hay chịu khó ghi nhớ thông tin về tác giả, tóm tắt tác phẩm.

b. Khó khăn:

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm trên, trong giờ ôn tập còn gặp phải một số khó khăn sau:

          Về phía giáo viên:

Còn lúng túng trong việc đưa ra những cách dạy vừa đảm bảo gói gọn kiến thức ôn tập trong thời gian quy định vừa cho học sinh có thời gian chủ động ôn tập những kiến thức trên lớp.

Chưa sử dụng triệt để các phương tiện hiện đại vào dạy các bài ôn tập như máy chiếu, băng hình…

Một số câu hỏi ôn tập đòi hỏi khả năng tổng hợp kiến thức, học sinh không trả lời được nhưng giáo viên lại thiếu hệ thống câu hỏi gợi mở chi tiết nên nhiều khi phải trả lời thay cho học sinh.

Một số tiết học giáo viên chỉ nêu vài ba câu hỏi và huy động một số học sinh khá, giỏi trả lời, chưa có câu hỏi dành cho đối tượng học sinh yếu, kém. Cho nên đối tượng học sinh yếu kém ít được chú ý và không được tham gia hoạt động. Điều này làm cho các em thêm tự ti về năng lực của mình và các em cảm thấy chán nản trong giờ ôn tập.

Về phía học sinh:

Học sinh thường trả lời câu hỏi giáo viên đặt ra thông qua việc nhìn lại sách hoặc vở rồi đọc mà chưa có sự độc lập tư duy.

Học sinh chỉ trả lời được những câu hỏi dễ, đơn giản (dạng trình bày), còn một số câu hỏi tổng hợp, phân tích, giải thích, so sánh … thì các em còn rất lúng túng. Giờ học vì vậy trở  nên căng thẳng đối với cả thầy và trò.

Một số học sinh chưa tập trung vào bài giảng, về nhà không làm bài tập, học bài cũ, không chuẩn bị bài mới

Từ thực trạng các tiết ôn tập dẫn đến khả năng ghi nhớ kiến thức của các em về các tác phẩm truyện khá hạn chế. Bởi vậy, trên thực tế hàng năm khả năng lĩnh hội cũng như kĩ năng làm bài văn ở các em đạt kết quả chưa cao như mong muốn của người dạy.

3. Giải pháp

Để giúp học sinh học tốt bài “Ôn tập truyện” – Ngữ văn 9, tôi thực hiện như sau:

Thứ nhất: Tổng hợp, lựa chọn kiến thức trọng tâm cần ôn tập.

Với bài “Ôn tập truyện”, phân phối chương trình môn Ngữ văn cho phép thời lượng hai tiết. Trong hai tiết học, học sinh phải ôn tập kiến thức về phần truyện hiện đại Việt Nam trong cả năm học lớp 9, bao gồm các bài sau:

Tiết 56 – 59:  Làng

Tiết 60 – 63: Lặng lẽ Sa Pa

Tiết 64 – 67: Chiếc lược ngà

Tiết 106 – 109: Những ngôi sao xa xôi

          Như vậy, học sinh đã được học 4 tác phẩm truyện hiện đại của Việt Nam. Đề tài và nội dung các tác phẩm này rất đa dạng, mở ra những bức tranh phong phú của đời sống và con người ở rất nhiều vùng, miền, đất nước, trong nhiều hoàn cảnh, với những tính cách và số phận khác nhau. Việc ôn tập nhằm giúp học sinh có được cái nhìn bao quát và có tính hệ thống để dễ ghi nhớ kiến thức về các tác phẩm đã học. Nhưng việc hệ thống hóa các kiến thức không có nghĩa chỉ rút ra những điểm chung của các tác phẩm mà bỏ qua tính độc đáo, riêng biệt của từng hiện tượng … Như vậy, với số lượng các tác phẩm truyện trên, trong thời lượng 90 phút nếu giáo viên không lựa chọn hình thức tổ chức các hoạt động dạy học phù hợp thì sẽ không thể hướng dẫn cho học sinh ôn tập hết được tất cả các đơn vị kiến thức đã học. Đặc biệt các tác phẩm có phạm vi đề tài khác nhau, đối tượng con người ứng với từng thời điểm khác nhau, học sinh dễ quên hoặc nhầm lẫn các đơn vị kiến thức. Vì vậy, giáo viên cần nghiên cứu kĩ sách giáo khoa và tài liệu để lựa chọn những kiến thức cơ bản giúp các em có cái nhìn toàn diện, bao quát nhất về truyện hiện đại Việt Nam. Cụ thể, trong tiết 1 của bài, tôi tập trung vào những kiến thức chính sau:

– Tổng hợp được tên các truyện hiện đại Việt Nam (Chương trình Ngữ văn 9).

– Xác định tác giả của các tác phẩm.

– Thời gian tác phẩm ra đời.

– Giá trị nội dung của tác phẩm.

– Các nhân vật chính, trung tâm của truyện.

– Nhận xét về hình ảnh đời sống và con người Việt Nam được phản ánh trong các truyện.

Thứ hai:  Xây dựng sơ đồ tư duy trên phần mềm ImindMap.

Để xây dựng sơ đồ tư duy làm đồ dùng dạy học trên phương tiện dạy học hiện đại, tôi đã tải và cài đặt phần mềm IMindMap trên máy tính. Sau đó sử dụng phần mềm này để xây dựng tất cả các sơ đồ tư duy trong bài thiết kế này. Các sơ đồ tư duy đều được xây dựng cụ thể qua các bước:

Bước 1: Kích đúp vào biểu tượng      , sau đó cửa sổ chương trình xuất hiện, chọn OK/Close. Khi đó sẽ xuất hiện rất nhiều biểu tượng cho từ khóa trung tâm. Tôi chọn hình ảnh trung tâm, đặt tên cho biểu tượng hình ảnh trung tâm và chọn Create.

Bước 2: Từ biểu tượng trung tâm, tôi vẽ các nhánh. Xong, để có một sơ đồ tư duy đảm bảo tính khoa học, chính xác và thẩm mĩ, thì tôi cần:

– Lựa chọn từ ngữ để diễn đạt nội dung kiến thức một cách ngắn gọn, dễ hiểu nhưng phải đảm bảo kiến thức cơ bản, trọng tâm

–  Căn cứ vào mức độ chi tiết của sơ đồ tư duy, tôi vào thanh công cụ chọn cỡ chữ và kiểu chữ cho phù hợp để khi đưa lên màn hình, học sinh dễ quan sát, dễ đọc.

Bước 3: Sau khi xây dựng xong sơ đồ tư duy, tôi vào File, chọn Save, lựa chọn định dạng sau đó lựa chọn ổ hoặc thư mục cần lưu rồi nhấn vào Save.

Bước 4: Chỉnh sửa sơ đồ tư duy (nếu cần), sau khi hoàn chỉnh các sơ đồ tư duy làm phương tiện tổ chức ôn tập, tôi sẽ dự kiến phương pháp, kĩ thuật tổ chức dạy học và định hướng hệ thống câu hỏi cho mỗi phần.

Thứ ba: Dự kiến phương pháp, kĩ thuật tổ chức dạy học và định hướng hệ thống câu hỏi.

Phần I: Hệ thống các tác phẩm truyện đã học trên các nội dung kiến thức:

– Tên tác phẩm

– Tác giả

– Năm sáng tác

– Tóm tắt nội dung

Đây là phần bài tập tương ứng với câu hỏi 1 (SGK Ngữ văn 9, tập hai, trang 144), giúp học sinh hệ thống lại những kiến thức trọng tâm, đáng ghi nhớ nhất về các tác phẩm truyện hiện đại Việt Nam. Ở phần bài học này đòi hỏi học sinh phải tổng hợp được khối lượng kiến thức đã học tương đối nhiều. Để thực hiện mục tiêu đó, tôi sẽ thay việc lập bảng thống kê trong sách giáo khoa bằng cách dùng sơ đồ tư duy mở. Sau đó tôi sử dụng hệ thống câu hỏi gợi mở để học sinh phát hiện nội dung kiến thức. Tiếp theo học sinh sẽ hoàn thiện sơ đồ tư duy. Dưới sự hướng dẫn của giáo viên, học sinh phát hiện kiến thức để sơ đồ tư duy sẽ dần được hoàn thiện trên màn hình khổ lớn với sự hỗ trợ của máy chiếu đa năng. Nội dung trả lời cho mỗi câu hỏi gợi mở sẽ là một nhánh cho sơ đồ tư duy.

Phần II: Nhận xét về hình ảnh đời sống và con người Việt Nam được phản ánh trong các truyện qua các thời kì lịch sử.

Khác với phần I, ở phần này, nội dung kiến thức không nhiều song đòi hỏi kỹ năng vừa phân loại vừa tích hợp, đối sánh kiến thức giữa các tác phẩm tương đối nhiều. Bởi vậy, với thời gian còn lại nếu sử dụng phương pháp đàm thoại gợi mở đơn thuần sẽ không thành công, không hết được bài, học sinh không được làm việc nhiều. Giờ học muốn đạt hiệu quả cao, học sinh hứng thú sôi nổi phụ thuộc rất  nhiều vào kĩ thuật tổ chức học của giáo viên. Vì vậy ở phần này tôi cho rằng phương pháp thảo luận hoạt động nhóm sẽ đạt hiệu quả cao hơn. Tôi đã tập trung vào tổ chức hoạt động nhóm và sẽ chia lớp thành 3 nhóm, yêu cầu học sinh phát triển sơ đồ tư duy dựa trên sơ đồ tư duy khung của giáo viên cung cấp trên máy chiếu theo từng nội dung kiến thức, cụ thể:

Nhóm 1: Các tác phẩm đã phản ánh đời sống con người và đất nước  gắn với những thời kì lịch sử nào?

Nhóm 2: Cho biết trong tác phẩm “Làng”“Lặng lẽ Sa pa” có những nhân vật tiêu biểu nào? Những nét tính cách nổi bật của các nhân vật trong mỗi truyện?

Nhóm 3: Cho biết trong tác phẩm “Chiếc lược ngà”“Những ngôi sao xa xôi” có những nhân vật tiêu biểu nào? Những nét tính cách nổi bật của các nhân vật trong mỗi truyện?

Sau khi cho học sinh hoạt động nhóm giáo viên hướng dẫn cho cả lớp chốt lại toàn bộ kiến thức mà các nhóm vừa hình thành.

Nhóm 1:      

– Với 4 truyện hiện đại đã học, dựa vào thời gian ra đời của mỗi truyện, em hãy sắp xếp theo các thời kì lịch sử sau:

+ Thời kì kháng chiến chống Pháp: …………………………………………..

+ Thời kì kháng chiến chống Mĩ: ……………………………………………..

–  Từ đó, vẽ hoàn thiện nhánh cấp 2 cho sơ đồ tư duy.

Nhóm 2:

– Xác định nhân vật tiêu biểu trong các truyện, nét tính cách nổi bật của nhân vât:

+ Làng:  …………………………………………………………………………………

+ Lặng lẽ Sa Pa:  …………………………………………………………………….

–  Từ đó, vẽ hoàn thiện nhánh cấp 3, 4 cho sơ đồ tư duy.

          Nhóm 3:

– Xác định nhân vật tiêu biểu trong các truyện, nét tính cách nổi bật của nhân vât:

+ Chiếc lược ngà: …………………………………………………………………….

+ Những ngôi sao xa xôi : …………………………………………………………

–  Từ đó, vẽ hoàn thiện nhánh cấp 3, 4 cho sơ đồ tư duy.

Riêng nhánh cấp 4 có thể là hình tròn, hình lá cây, đám mây, quả trám… Với cách gợi mở bằng  phiếu học tập, học sinh sẽ nhanh chóng tìm ra từ chìa khóa của sơ đồ tư duy. Cũng như mỗi ý trả lời cho mỗi câu hỏi gợi mở sẽ là một nhánh của sơ đồ tư duy.

Sau khi các nhóm hoàn thành xong sơ đồ tư duy, tôi cho các em trình bày lên bảng kết quả của nhóm, các nhóm khác nhận xét, giáo viên chuẩn hóa kiến thức trên màn hình.

Thứ tư:  Áp dụng vào thiết kế bài dạy.

Với các giải pháp và biện pháp trên, tôi áp dụng thiết kế giáo án bài “Ôn tập truyện” – Ngữ văn 9.

III. Kết luận

Như vậy, để giảng dạy tốt bài “Ôn tập truyện” – Ngữ văn 9 cần phải có sự linh hoạt trong quá trình dạy học, tạo được hứng thú học và cảm nhận của học sinh, giúp các em có kĩ năng sử dụng sơ đồ tư duy và tự tạo ra sơ đồ tư duy cho mỗi bài học để dễ nhớ bài, hiểu bài hơn, điều đó được thể hiện qua sự tiến bộ từng bài làm cụ thể của học sinh. Tuy nhiên, tùy từng văn bản mà ta áp dụng cho đúng lúc, đúng chỗ. Việc sử dụng các giải pháp đồng bộ trên sẽ tạo tâm thế học tập hứng thú ở học sinh, tạo cho tiết dạy sinh động, không còn nhàm chán. Đồng thời giúp học sinh cảm nhận sâu sắc hơn về tiết học, tiếp thu và lĩnh hội kiến thức một cách hiệu quả hơn.

 

Tác giả: Nguyễn Danh Thanh – GV trường TH- THCS- THPT Đại học Hà Tĩnh