Thiết kế kế hoạch bài dạy môn Toán lớp 4,5 theo hướng phát triển năng lực học sinh

TÓM TẮT

“Năng lực” là thuộc tính cá nhân được hình thành, phát triển nhờ tố chất sẵn có và quá trình học tập, rèn luyện, cho phép con người huy động tổng hợp các kiến thức, kĩ năng và các thuộc tính cá nhân khác như hứng thú, niềm tin, ý chí,…thực hiện thành công một loại hoạtđộng nhất định, đạt kết quả mong muốn trong những điều kiện cụ thể”.

Thông qua chương trình môn Toán, học sinh cần hình thành và phát triển được năng lực toán học, biểu hiện tập trung nhất của năng lực tính toán. Năng lực toán học bao gồm các thành tố cốt lõi sau: Năng lực tư duy và lập luận toán học; năng lực mô hình hóa toán học; năng lực giải quyết vấn đề toán học; năng lực giao tiếp toán học; năng lực sử dụng công cụ, phương tiện học toán. Tùy vào từng đối tượng học sinh, yêu cầu cần đạt của từng khối lớp, năng lực toán học của mỗi học sinh được biểu hiện ở các mức độ khác nhau. Dạy học theo hướng phát triển năng lực học sinh là chuyển đổi từ việc “học sinh cần phải biết gì” sang việc “phải biết và có thể làm gì” trong các tình huống và bối cảnh khác nhau. Do đó dạy học theo hướng phát triển năng lực học sinh chú trọng lấy học sinh làm trung tâm giáo viên là người hướng dẫn, giúp các em chủ động trong việc đạt được năng lực theo yêu cầu đặt ra, phù hợp với đặc điểm cá nhân. Căn cứ vào các mức độ biểu hiện cụ thể của các năng lực thành tố ở học sinh, giáo viên thiết kế kế hoạch bài dạy, câu hỏi và bài tập kiểm tra, đánh giá kết quả học môn Toán của học sinh một cách phù hợp.

Dạy học phát triển năng lực là việc tổ chức các hoạt động học tập theo một chuỗi logic để người học chủ động, tích cực tìm tòi, khám phá, trải nghiệm nhằm kiến tạo tri thức, kĩ năng, động cơ, thái độ, hứng thú và niềm tin dưới sự hướng dẫn của GV trong môi trường học tập tương tác tích cực. Thiết kế kế hoạch bài dạy là khâu vô cùng quan trọng. Nếu giáo viên biết thiết kế kế hoạch bài dạy một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với trình độ nhận thức của học sinh, kích thích khả năng tư duy năng động của học sinh, phát huy được năng lực của từng học sinh sẽ mang lại hiệu quả cao trong quá trình dạy học.

Bài viết này trình bày một số vấn đề về thực trạng trong thiết kế kế hoạch bài

dạy môn Toán lớp 4, 5 chương trình 2006 theo hướng tiếp cận Chương trình GDPT 2018, từ đó đưa ra một số giải pháp “Thiết kế kế hoạch bài dạy môn Toán lớp 4, 5 theo hướng phát triển năng lực học sinh”  để góp phần giúp dạy học môn Toán đạt  hiệu quả cao hơn.

NỘI DUNG

1. Đặt vấn đề

Kế hoạch bài dạy là kịch bản lên lớp của mỗi giáo viên đối với học sinh và nội dung cụ thể trong một không gian và thời gian nhất định. Kế hoạch bài dạy do giáo viên thiết kế bao gồm các hoạt động của học sinh và giáo viên trong quá trình dạy học một tiết học/bài học/chủ đề (sau đây gọi chung là bài học) nhằm giúp học sinh đạt được yêu cầu cần đạt. Thiết kế kế hoạch bài dạy là giai đoạn chuẩn bị lên lớp. Hoạt động này có vai trò rất quan trọng, quyết định đến sự thành công của bài dạy. Kế hoạch bài dạy được giáo viên thực hiện chủ động, linh hoạt phù hợp với đối tượng học sinh, điều kiện tổ chức dạy học, bảo đảm các yêu cầu cần đạt của chương trình đối với môn học, hoạt động giáo dục để đạt hiệu quả cao nhất; được điều chỉnh, bổ sung thường xuyên cho phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện tổ chức dạy học.

Để thiết kế được kế hoạch bài dạy theo hướng phát triển năng lực đòi hỏi người giáo viên không những có trình độ kiến thức chuyên môn, có lòng say mê nghề nghiệp mà còn rất cần đến nghiệp vụ sư phạm vững vàng. Chất lượng của kế hoạch bài dạy phụ thuộc rất lớn vào khả năng của mỗi cá nhân, nếu giáo viên biết thiết kế kế hoạch bài dạy một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với trình độ nhận thức của học sinh, kích thích khả năng tư duy năng động của học sinh, phát huy được năng lực của từng học sinh sẽ mang lại hiệu quả cao trong quá trình dạy học.

2. Thực trạng của việc thiết kế kế hoạch bài dạy môn Toán lớp 4, 5 Chương trình 2006 theo hướng tiếp cận Chương trình GDPT 2018

Trong thực tế,  dạy học Chương trình 2006 ở lớp 4, 5 theo định hướng phát triển năng lực người học vẫn chưa đồng bộ và hiệu quả.

Nhiều giáo viên thực hiện còn hình thức, có phần đối phó, làm đẹp hồ sơ. Giáo viên phần nào còn lúng túng trong việc thiết kế kế hoạch bài dạy; chưa tích cực thay đổi phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo định hướng phát triển năng lực người học.

Nhiều giáo viên chưa nghĩ đến dạy học theo định hướng phát triển năng lực

áp dụng với chương trình 2006, nên chưa thực hiện đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo định hướng phát triển năng lực cho học sinh.

Giáo viên chưa hiểu sâu sắc, đầy đủ về dạy học môn Toán theo định hướng phát triển năng lực vì vậy vẫn có giáo viên xây dựng kế hoạch bài học theo phương pháp truyền thống, hoặc xây dựng kế hoạch có khung theo yêu cầu quy định mới nhưng nội dung từng phần chưa được nêu bật rõ.

Một số giáo viên chưa thực sự hiểu về các năng lực đặc thù của môn học nói chung, môn Toán nói riêng. 100% giáo viên nêu được 5 năng lực đặc thù của môn toán cần hình thành ở học sinh nhưng để hiểu biết về từng năng lực và biểu hiện của những năng lực đó là gì thì rất ít giáo viên nêu được. Vì thế, những biểu hiện của năng lực toán học cần được hình thành, phát triển ở học sinh có thể đã không được chú ý đúng mức, học sinh ít có cơ hội được phát triển. Nhiều giáo viên thiết kế kế hoạch bài dạy môn Toán theo lối truyền thống, chú trọng truyền tải nội dung kiến thức mà ít chú ít đến thiết kế theo hướng phát triển năng lực học sinh.

Qua thực tế dạy học khối lớp 4, 5, tôi nhận thấy khi thiết kế kế hoạch bài dạy môn Toán, giáo viên có một số tồn tại, hạn chế sau:

– Giáo viên chưa biết cách làm thế nào để thiết kế được một kế hoạch bài dạy mang tính khả thi cao khi lên lớp. Còn lúng túng trong việc xác định yêu cầu cần đạt của tiết học, đặc biệt là năng lực và phẩm chất. Khi xây dựng kế hoạch bài dạy vẫn phụ thuộc vào hướng dẫn trong sách giáo viên, chưa thoát li được sách giáo viên.

– Thiết kế hoạt động khởi động thường đơn giản, chủ yếu là kiểm tra hay hát một bài quen thuộc, chưa quan tâm nhiều đến việc tạo hứng thú cho học sinh, kết nối kiến thức cũ và kiến thức mới.

– Thiết kế các hoạt động trong tiết học, đôi khi chỉ chú ý đến việc có vận dụng đổi mới phương pháp, hình thức cho học sinh hoạt động với các hình thức như cá nhân, nhóm hay cả lớp mà không quan tâm đến các nội dung: hoạt động đó có phù hợp không, có giúp học sinh tìm ra được kiến thức gì, vận dụng làm được gì, phát triển được năng lực, phẩm chất gì, các hoạt động có lôgic, phù hợp với nhận thức của học sinh lớp mình hay không. Đây chính là điểm hạn chế trong dạy học Toán theo hướng phát triển năng lực cho học sinh.

3. Các giải pháp “Thiết kế kế hoạch bài dạy môn Toán lớp 4, 5 theo hướng phát triển năng lực học sinh”

Giải pháp 1. Nghiên cứu kĩ bài học trước khi thiết kế kế hoạch bài dạy

1.1. Mục đích, ý nghĩa của biện pháp

Để có thể thiết kế một kế hoạch bài dạy có chất lượng, mang tính khả thi việc nghiên cứu bài học là một bước vô cùng quan trọng. Vì nghiên cứu bài học sẽ giúp cho giáo viên xác định đúng yêu cầu cần đạt của bài học (kiến thức, kĩ năng, thái độ, năng lực, phẩm chất), xác định được nội dung bài học, từ đó căn cứ vào đối tượng học sinh, căn cứ vào điều kiện thực tế lựa chọn phương tiện dạy học, đồ dùng có thể chuẩn bị để lựa chọn thiết kế xây dựng các hoạt động tổ chức trong tiết học cho phù hợp.

1.2. Cách thực hiện của biện pháp

Bước 1: Phân tích nội dung và yêu cầu cần đạt trong chương trình Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể quy định nội dung và yêu cầu cần đạt đối với mỗi nội dung dạy học nhưng không phân phối chi tiết chương trình theo tiết học, bài học. Do vậy, để dạy học theo hướng phát triển năng lực HS, GV cần phân tích nội dung và yêu cầu cần đạt trong chương trình môn Toán cấp Tiểu học, môn Toán từng khối lớp và trong từng mảng kiến thức để làm cơ sở xác định mục tiêu, nội dung, các hoạt động, phương pháp, phương tiện, đánh giá trong từng tiết học.

Bước 2: Xác định mục tiêu dạy học

Trên cơ sở phân tích nội dung, yêu cầu cần đạt, GV xây dựng yêu cầu cần đạt cho bài học cụ thể. Thực chất đây là việc cụ thể hóa các năng lực toán học thành tố cần hình thành và phát triển ở HS theo nội dung bài học. Yêu cầu cần đạt của bài học được thiết kế theo thang Bloom, gồm các mức độ: nhớ/biết; hiểu; vận dụng; phân tích; đánh giá; vận dụng. Mục tiêu dạy học được diễn đạt bắt đầu bằng các động từ có thể đo đếm, đánh giá, quan sát được, chẳng hạn: sau bài học này, HS đạt được các yêu cầu: nêu được…; biết được…; xây dựng được…., vẽ được…; giải quyết được…

Ví dụ, với bài Diện tích hình tam giác ( Sách giáo khoa Toán 5- Trang 87), học sinh cần đạt được các yêu cầu như:

– Nêu được các quy tắc, công thức tính diện tích hình tam giác.

– Biết cách tính và tính được diện tích hình tam giác với các kích thước  cho sẵn.

– Giải quyết được một số tình huống thực tiễn liên quan đến công thức tính diện tích hình tam giác.

Như vậy, năng lực người học làm cơ sở cho mục tiêu dạy học, giúp GV kiểm

soát quá trình học tập của HS và điều chỉnh hoạt động dạy học của mình.

         Bước 3: Xác định nội dung dạy học

Nội dung là sự cụ thể hóa của yêu cầu cần đạt nên GV cần lựa chọn chính xác, đầy đủ, dựa trên các yếu tố cơ bản, gồm: Chương trình môn học; Yêu cầu cần đạt của bài học; Khả năng học tập của HS; Điều kiện tổ chức thực hiện dạy học. Nội dung dạy học vừa chú trọng phát triển các năng lực cụ thể của năng lực Toán học, vừa phù hợp với mục tiêu của dạy học môn Toán. Mỗi đơn vị tri thức được lựa chọn cần đi liền với các năng lực thành tố tương ứng.

Bước 4: Lựa chọn đồ dùng, phương tiện dạy học

Để phát triển năng lực của HS, cần tổ chức hợp lí, nhuần nhuyễn các yếu tố của quá trình dạy học, trong đó, đồ dùng, phương tiện dạy học là một yếu tố quan trọng. Nếu như trước kia đồ dùng, phương tiện dạy học là yếu tố hỗ trợ cho HS khám phá, thu nhận kiến thức thì hiện nay, đồ dùng, phương tiện dạy học còn là yếu tố để các em bộc lộ và phát triển năng lực. Sử dụng công cụ, phương tiện học toán là một trong năm thành tố năng lực toán học của HS phổ thông. Do vậy, khi thiết kế đồ dùng, phương tiện dạy học, GV cần tham chiếu năng lực người học để đạt hiệu quả mong muốn. Các đồ dùng, phương tiện dạy học cần thiết kế đồng bộ với các công cụ, phương tiện học toán của HS.

Ví dụ: Trước khi thiết kế bài dạy Diện tích hình tam giác, tôi đã thực hiện nghiên cứu theo các bước như sau:

– Phân tích nội dung và yêu cầu cần đạt trong chương trình: Đây là bài học nằm trong chủ đề hình học. Học sinh đã nhận biết một số loại hình tam giác như tam giác nhọn, tam giác vuông, tam giác tù và chiều cao tương ứng với mỗi đáy của tam giác. Biết cách tính diện tích hình tam giác sẽ là tiền đề để học sinh xây dựng quy tắc và công thức tính diện tích hình thang sau này. Từ việc xây dựng  quy tắc và công thức tính diện tích hình tam giác, học sinh có khả năng giải quyết được một số vấn đề gắn với việc giải các bài toán liên quan đến diện tích hình tam giác.

– Xác định yêu cầu cần đạt khi dạy học: Yêu cầu cần đạt của bài học được thiết kế theo thang Bloom, gồm các mức độ: Hiểu được cách tính diện tích hình tam giác; biết và  nhớ được công thức tính diện tích hình tam giác; vận dụng công thức tính diện tích hình tam giác vào thực tiễn với kích thước cho trước ( đồng nhất đơn vị hoặc không đồng nhất đơn vị).

– Xác định nội dung dạy học: Để nội dung dạy học vừa chú trọng phát triển các năng lực cụ thể của năng lực toán học, vừa phù hợp với mục tiêu của dạy học môn Toán, tôi lựa chọn nội dung  bài học Diện tích hình tam giác

như sau:

+ Thông qua việc xây dựng công thức tính diện tích hình tam giác, giúp HS phát triển năng lực tư duy và lập luận toán học, năng lực giải quyết vấn đề toán học, năng lực giao tiếp toán học ( phát biểu thành lời bằng thuật ngữ toán học) và năng lực sử dụng công cụ, phương tiện học toán ( cắt, ghép hình).

+ Thông qua việc thành lập công thức tính diện tích hình tam giác, giúp HS phát triển năng lực mô hình hóa toán học ( biết biểu thị các đại lượng thành kí hiệu toán học và công thức tính diện tích hình tam giác).

+ Thông qua việc vận dụng công thức tính diện tích hình tam giác vào giải các bài tập có liên quan mà có thể đồng nhất đơn vị hoặc không đồng nhất đơn vị, giúp HS có cơ hội phát triển năng lực giải quyết vấn đề toán học.

+ Sau khi thao tác cắt ghép hình, học sinh có khả năng giữ vệ sinh lớp học sạch sẽ. Qua đó các em có cơ hội được rèn luyện tính cẩn thận, có trách nhiệm trong hoạt động học tập.

– Lựa chọn đồ dùng, phương tiện dạy học: Để đi đến xây dựng được quy tắc, công thức tính diện tích hình tam giác, tôi cho học sinh thao tác với thước, kéo, giấy, bìa, keo dán… Qua đó, các em được thực hành thao tác cắt, ghép các hình đã học có thể tính được diện tích dẫn đến cách tính diện tích hình tam giác.

Giải pháp 2: Thiết kế các hoạt động học tập

2.1. Mục đích, ý nghĩa của biện pháp

Việc thiết kế các hoạt động học tập (thiết kế kế hoạch bài dạy) rất có ý nghĩa đối với giáo viên, thể hiện ở các khía cạnh cụ thể như giúp giáo viên:

– Thiết lập môi trường dạy học phù hợp: thông qua việc quyết định trước về yêu cầu cần đạt, các chiến lược giảng dạy, phương pháp kĩ thuật dạy học và các phương tiện hỗ trợ… một cách thích hợp;

– Định hướng tâm lí giảng dạy: các yếu tố liên quan đến học sinh như sở thích, năng khiếu, nhu cầu, năng lực của học sinh… được lưu ý cân nhắc đế việc dạy học trên thực tế sẽ trở nên tâm lí hơn;

– Giới hạn các yếu tố liên quan đến chủ đề giảng dạy: Cho phép giáo viên từ bỏ

những thứ không cần thiết hoặc không liên quan đến bài dạy để xác định rõ ràng, có giới hạn các vấn đề một cách hệ thống và có tồ chức;

– Sử dụng hiệu quả kiến thức đã có: Giáo viên phát triển kiến thức mới trên cơ sở kiến thức trước đây của học sinh, giúp học sinh thuận lợi đạt được kiến thức mới, phát triển năng lực;

– Phát triển kĩ năng dạy học: Việc chuẩn bị kế hoạch bài dạy đòi hỏi nhiều kĩ năng.  Vì thế thông qua việc chuẩn bị cho nhiều bài dạy, giáo viên sẽ ngày càng phát triển và thành thạo các kĩ năng dạy học của mình;

– Sử dụng hiệu quả thời gian: Bằng cách cân đối thời gian, các hoạt động dạy học tiến triển một cách liên tục, hạn chế thời gian lãng phí, hướng đến việc nâng cao hiệu quả giảng dạy.

2.2. Cách thực hiện của biện pháp

         Ở bước này, GV cần thiết kế các hoạt động theo chuỗi logic, gắn liền với các năng lực thành tố đã được xác định trong yêu cầu cần đạt của bài học. Các hoạt động dạy học thể hiện phương pháp dạy học chủ yếu là hoạt động của HS, GV là người tổ chức, khích lệ, hỗ trợ HS khi cần thiết để giúp các em chủ động,
tích cực giải quyết các nhiệm vụ học tập. GV cần khảo sát, chẩn đoán, phân tích năng lực hiện có của HS biểu hiện thông qua kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm,… để thiết kế các hoạt động phù hợp, đảm bảo tính vừa sức. Khi thiết kế các hoạt động cần tổ chức trong tiết học, giáo viên có thể dùng các câu hỏi sau để lựa chọn các hoạt động cho phù hợp:

– HS đạt được yêu cầu cần đạt  thông qua hoạt động gì ?

– HS đã có kiến thức nào liên quan đến bài học?

– HS có vốn kinh nghiệm thực tiễn gì liên quan đến bài học?

– HS có thuận lợi và khó khăn gì khi học bài này?

– HS được rèn luyện, củng cố kiến thức, kĩ năng gì thông qua mỗi bài luyện tập?

– HS vận dụng kiến thức vào thực tiễn như thế nào?

         * Yêu cầu thiết kế các hoạt động học tập của tiết học:

– Đảm bảo tất cả học sinh được tham gia xây dựng kiến thức;

– Học sinh được tham gia giải quyết một vấn đề (thực tế);

– Học sinh có sử dụng kiến thức liên môn;

– Học sinh được hợp tác với nhau khi tham gia hoạt động;

         – Lựa chọn nhóm các phương pháp và kĩ thuật dạy học phù hợp với đặc thù môn Toán để thiết kế hoạt động cho phù hợp ( Phương pháp dạy học: Giải quyết vấn đề, Hợp tác, Dự án, Kiến tạo, Khám phá,…); Tăng cường sử dụng công nghệ thông tin, học liệu điện tử; Sử dụng các hình thức trải nghiệm phong phú: Câu lạc bộ, trò chơi, tham quan dã ngoại, diễn đàn, diễn kịch,…; Chú trọng dạy học tích hợp.

         * Khi thiết kế mỗi hoạt động học tập, giáo viên cần lưu ý những nội dung quan trọng sau đây:

– Hoạt động đó nhằm hoàn thành yêu cầu cần đạt gì? ( kiến thức, năng lực, …)

  • Cách tổ chức cho học sinh hoạt động như thế nào? (nhóm, cá nhân, cả lớp,…), trong lớp học hay ngoài lớp học,…

– Thời gian dự kiến tổ chức hoạt động trong bao lâu?

– Các tình huống có thể xảy ra khi tổ chức hoạt động, cách giải quyết.

Ví dụ: Khi thiết kế kế hoạch bài dạy Diện tích hình thang (SGK Toán 5, trang 93), tôi chú ý thiết kế các hoạt động  dựa trên việc trả lời những câu hỏi đó như sau:

– HS đạt được yêu cầu cần đạt: Xây dựng được cách tính diện tích hình thang và công thức tính diện tích hình thang thông qua hoạt động cắt, ghép hình thang đưa về những hình có thể tính diện tích đã học.

– HS đã có kiến thức liên quan đến bài học: Biết cách tính diện tích hình chữ nhật, hình vuông, hình bình hành, hình thoi và hình tam giác.

– HS có vốn kinh nghiệm thực tiễn liên quan đến bài học: Nhiều mảnh đất, thửa ruộng có hình thang có thể đo và tính được diện tích.

– HS có thuận lợi và khó khăn gì khi học bài này: Đã biết cách cắt ghép hình, xây dựng công thức tính diện tích hình tam giác dựa trên cách tính diện tích những hình đã học. Khó khăn ở chỗ hình thang khá khó cắt ghép được thành hình có thể tính được diện tích nếu không có khả năng tư duy hình học.

– Thông qua mỗi bài luyện tập, HS được thực hành tính diện tích hình thang với đơn vị đồng nhất hoặc không đồng nhất. Bên cạnh đó các em được học tập chia sẻ ý kiến, hợp tác trong các hoạt động học tập theo cặp, theo nhóm.

– HS vận dụng kiến thức vào thực tiễn để có thể tính được diện tích mảnh đất hình thang, thửa ruộng hình thang, …

Tóm lại, khi thiết kế các hoạt động học tập cho học sinh, giáo viên cần chú ý cố

gắng tạo điều kiện cho học sinh được suy nghĩ nhiều hơn, thảo luận nhiều hơn, thực

hành nhiều hơn và hợp tác nhiều hơn.

Giải pháp 3: Trình bày kế hoạch bài dạy

3.1. Mục đích, ý nghĩa của biện pháp

Trình bày kế hoạch bài dạy là khâu cuối cùng trong xây dựng kịch bản cho một tiết dạy trước khi lên lớp của giáo viên. Nếu chỉ nghiên cứu bài học, chỉ định hình ra các hoạt động mà không trình bày cụ thể, đầy đủ thì giáo viên lên lớp sẽ không đạt được hiệu quả như mong muốn. Bản kế hoạch bài dạy đầy đủ chi tiết, thể hiện các phần rõ ràng, các hoạt động cụ thể sẽ giúp giáo viên chủ động khi lên lớp, linh hoạt trong xử lí các tình huống sư phạm phát sinh. Bên cạnh đó, kế hoạch bài dạy cũng là một loại hồ sơ mà giáo viên bắt buộc phải có trước khi lên lớp, là minh chứng để giáo viên xuất trình khi được kiểm tra chuyên môn.

3.2. Cách thực hiện của biện pháp

Giáo viên trình bày kế hoạch bài dạy theo cấu trúc như sau:

3.2.1. Yêu cầu cần đạt:

Nêu cụ thể học sinh thực hiện được việc gì; vận dụng được những gì vào

giải quyết vấn đề trong thực tế cuộc sống; có cơ hội hình thành, phát triển phẩm

chất, năng lực gì.

3.2.2. Đồ dùng dạy học:

Nêu các thiết bị, học liệu được sử dụng trong bài dạy để tổ chức cho học sinh hoạt động nhằm đạt yêu cầu cần đạt của bài dạy.

3.2.3. Các hoạt động dạy học chủ yếu:

– Hoạt động Mở đầu: Khởi động, kết nối;

– Hoạt động Hình thành kiến thức mới: Trải nghiệm, khám phá, phân tích, hình thành kiến thức mới (đối với bài hình thành kiến thức mới);

– Hoạt động Luyện tập, thực hành;

– Hoạt động Vận dụng, trải nghiệm (nếu có).

Giáo viên chủ động tổ chức hoạt động dạy học linh hoạt, sáng tạo, đa dạng theo tính chất bài học (bài kiến thức mới; thực hành, ôn tập), đặc điểm môn học, hoạt động giáo dục và phù hợp đối tượng học sinh.

Các hoạt động học tập (kể cả hoạt động tự nhận xét hay nhận xét sản phẩm học tập của bạn hay nhóm bạn) của học sinh, tùy theo mục đích, tính chất của mỗi hoạt động, được tổ chức làm việc cá nhân, theo nhóm hoặc cả lớp; đảm bảo mỗi học sinh được tạo điều kiện để tự mình thực hiện nhiệm vụ học tập hay trải nghiệm thực tế. Hoạt động của giáo viên: Tổ chức, hướng dẫn, hỗ trợ hoạt động học cho học sinh, tạo môi trường học tập thân thiện và những tình huống có vấn đề để khuyến khích học sinh tích cực tham gia vào các hoạt động học tập, tự nhận xét hay nhận xét sản phẩm học tập của bạn hay nhóm bạn, tự phát hiện năng lực, nguyện vọng của bản thân, rèn luyện thói quen và khả năng tự học, phát huy tiềm năng và những kiến thức, kĩ năng đã tích lũy được để phát triển; thực hiện nhận xét, đánh giá trong quá trình tổ chức dạy học để hướng dẫn, hỗ trợ hoạt động học tập, điều chỉnh các hoạt động dạy học, đảm bảo sự tiến bộ của từng học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục.

3.2.4.Điều chỉnh sau bài dạy (nếu có)

Giáo viên ghi những điểm cần rút kinh nghiệm sau khi thực hiện kế hoạch bài dạy để hoàn thiện phương án dạy học cho các bài học sau: Nội dung còn bất cập, còn gặp khó khăn trong quá trình thực hiện tổ chức dạy học; nội dung tâm đắc tổ chức dạy học hiệu quả để trao đổi thảo luận khi tham gia sinh hoạt chuyên môn.

 Một số hình ảnh học sinh tham gia các tiết học với kế hoạch bài dạy theo hướng phát triển năng lực

4. Kết luận

Dạy học môn Toán theo định hướng phát triển năng lực cần xuất phát từ khâu xây dựng kế hoạch bài dạy hướng đến phát triển năng lực học sinh. Thiết kế kế hoạch bài dạy theo định hướng phát triển năng lực học sinh trong dạy học môn Toán sẽ giúp cho giáo viên có cái nhìn tổng quan về mạch kiến thức cần cung cấp cho học sinh, có cơ hội để phát hiện, đánh giá được năng lực của từng em, chủ động dành thời gian để giúp đỡ các em học chậm hơn, tạo môi trường cho các em có năng khiếu Toán được phát triển khả năng của mình đồng thời giáo viên sẽ chủ động tổ chức các hoạt động dạy học và xử lí các tình huống xảy ra trong tiết học. Nắm chắc “Thiết kế kế hoạch bài dạy môn Toán lớp 4, 5 theo hướng phát triển năng lực học sinh” sẽ giúp giáo viên tự tin thiết kế kế hoạch bài dạy các môn học khác theo định hướng phát triển năng lực người học, đồng thời cũng giúp học sinh biết cách học toán, có cơ hội  hình thành phát triển các năng lực toán học, từ đó các em có thể tự tin học tập tốt ở bậc học tiếp theo, bậc học mà ngay từ năm đầu tiên các em đã được học chương trình GDPT 2018.

Tác giả Lâm Thị Lệ Hằng- GV trường TH- THCS- THPT Đại học Hà Tĩnh